15/04/2025 10:50 GMT+7

Đại sứ Mỹ cùng Trung tướng Phạm Tuân xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ

Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ - đã xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên du hành không gian bằng tàu vũ trụ New Shepard.

Đại sứ Mỹ cùng Trung tướng Phạm Tuân xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper gặp Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian, tối 14-4 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Theo trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, tối 14-4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã tổ chức buổi gặp mặt Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian, và các đại diện từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để cùng theo dõi khoảnh khắc cô Amanda Nguyễn trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian.

"Hành trình mang tính biểu tượng"

"Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, hành trình của Amanda - đem theo những hạt sen từ Việt Nam vào quỹ đạo - không chỉ là một cột mốc. Đó còn là biểu tượng cho chặng đường mà hai nước đã đi qua và tương lai hai nước cùng nhau hướng tới", Đại sứ quán nêu trong bài đăng sáng 15-4.

Đại sứ Mỹ cùng Trung tướng Phạm Tuân xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ - Ảnh 2.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper và Trung tướng Phạm Tuân theo dõi chuyến bay lịch sử đưa Amanda Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên du hành không gian - Ảnh: Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

8h30 sáng 14-4 giờ địa phương Mỹ (20h30 cùng ngày giờ Việt Nam), Amanda Nguyễn đã thực hiện thành công chuyến du hành ngoài không gian kéo dài 11 phút (từ lúc cất cánh đến hạ cánh) cùng phi hành đoàn sứ mệnh NS-31 của Blue Origin.

Tàu vũ trụ New Shepard cất cánh từ bãi phóng số 1 ở Texas, đưa phi hành đoàn NS-31 vượt qua đường Kármán - ranh giới không gian ở độ cao 100km trên mực nước biển.

Sứ mệnh NS-31 không chỉ là cột mốc quan trọng về giới trong du hành vũ trụ thương mại, mà còn truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em gái tham gia lĩnh vực STEM. Phi hành đoàn khẳng định phụ nữ có thể kết hợp đam mê khoa học với cá tính riêng.

Đặc biệt, đây là chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên trong hơn 60 năm, kể từ khi nữ phi hành gia người Nga Valentina Tereshkova bay một mình vào không gian năm 1963 trên tàu vũ trụ Vostok 6.

Nữ phi hành gia Amanda Nguyễn nói 'Xin chào Việt Nam' từ không gian - Nguồn: Blue Origin

Từ trên khoang phi hành đoàn, Amanda Nguyễn cùng các thành viên của NS-31 đã được chiêm ngưỡng vũ trụ đen thẳm và đường cong của Trái đất trong trạng thái không trọng lực.

Đặc biệt, cô còn gửi lời chào tới Việt Nam từ trên không gian: "Xin chào Việt Nam", cô nói bằng tiếng Việt.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) đã cung cấp 169 hạt sen giống (Nelumbo nucifera) cho phi hành gia Amanda Nguyễn để bay cùng cô vào không gian. Các hạt sen này sẽ trở về sau sứ mệnh để mở ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.

Ai cũng có thể chữa lành

Đại sứ Mỹ cùng Trung tướng Phạm Tuân xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ - Ảnh 3.

Amanda Nguyễn nói "Xin chào Việt Nam" khi ở trên không gian - Ảnh cắt từ video Blue Origin

Amanda Nguyễn sinh năm 1991 tại California, Mỹ, tốt nghiệp Đại học Harvard và từng thực tập tại NASA. Gác lại giấc mơ phi hành gia sau biến cố bị cưỡng hiếp, cô sáng lập tổ chức Rise vào năm 2014 nhằm bảo vệ quyền công dân của những nạn nhân bị xâm hại tình dục.

"Trong khoảnh khắc này, tôi chỉ muốn tất cả những người từng trải qua tổn thương biết rằng: Bạn có thể chữa lành. Không có giấc mơ nào là quá điên rồ. Và nếu nó thật sự quá xa vời, như việc bay vào không gian, thì bạn hoàn toàn có thể vượt qua, và điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực", Amanda Nguyễn xúc động trong khoảnh khắc trở lại mặt đất.

Trong chuyến bay, Amanda đã mang theo hai vật dụng chỉ báo không trọng lực (vật mà các phi hành gia mang theo để đánh dấu khoảnh khắc tình trạng không trọng lực bắt đầu).

Đó là tờ ghi chú mà cô đã viết cho chính mình nhiều năm trước khi quyết định tạm dừng giấc mơ phi hành gia để đấu tranh cho quyền công dân, hứa rằng cô sẽ trở lại với ước mơ này.

Vật thứ hai là là vòng tay bệnh viện khi cô được khám nghiệm sau khi bị tấn công tình dục. "Hôm nay, tôi đã có thể vinh danh cô ấy", Amanda Nguyễn bật khóc khi nói.

Năm 2016, dự luật về quyền của những nạn nhân bị bạo lực tình dục do Amanda Nguyễn vận động được Quốc hội Mỹ thông qua, và được tổng thống Barack Obama ký thành luật.

Amanda được đề cử Nobel Hòa bình 2019, được tạp chí Time vinh danh là một trong những Người phụ nữ của năm 2022, và nhận nhiều giải thưởng quốc tế khác ghi nhận đóng góp của cô cho những nạn nhân của bạo lực tình dục.

Cách đây 45 năm, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.

Vào ngày 23-7-1980, ông Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Soyz 37.

Ông đã ở trong không gian 7 ngày, 20 giờ và 42 phút trước khi trở về vào ngày 31-7, sau 142 vòng quanh quỹ đạo trái đất. Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học và chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.

Đại sứ Mỹ cùng Trung tướng Phạm Tuân xem khoảnh khắc Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ - Ảnh 4.Chuyện chưa biết về Amanda Nguyen, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên du hành vũ trụ

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity công bố Amanda Nguyen sẽ du hành vào không gian trong đợt phóng tên lửa đẩy New Shepard tiếp theo của Tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0