19/04/2025 11:59 GMT+7

Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ cho tỉnh Đồng Tháp

Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp cùng tỉnh Đồng Tháp xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có mục tiêu đào tạo ít nhất 100 thạc sĩ và tiến sĩ.

Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ cho tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia TP.HCM, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn và UBND tỉnh Đồng Tháp hợp tác với mục đích đưa hoạt động khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả cho sự phát triển chung của 3 đơn vị - Ảnh: THIỆN THÔNG

Đó là một trong nhiều nội dung thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2025-2030 vừa được Đại học Quốc gia TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết hôm 18-4.

Hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển đổi số

Theo đó, Đại học Quốc gia TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ hợp tác toàn diện ở 8 nội dung trọng tâm nhằm xây dựng mối liên kết, chia sẻ tiềm lực, phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ.

Đại học Quốc gia TP.HCM cam kết phối hợp cùng tỉnh Đồng Tháp xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có mục tiêu đào tạo ít nhất 100 thạc sĩ và tiến sĩ tại Việt Nam và nước ngoài theo nhu cầu thực tiễn. Đồng thời sẽ hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục và thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng cho các cơ sở giáo dục tại địa phương.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức các hoạt động phổ cập, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số thông qua các báo cáo chuyên đề. Những nội dung trọng điểm gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều hành, quản trị nhà nước; phương pháp khai thác, quản lý dữ liệu trên nền tảng số; và các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin.

Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tư vấn và phản biện trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cùng với đó, hai bên sẽ xây dựng chương trình nghiên cứu đột phá nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao - thế mạnh chiến lược của tỉnh. Chương trình này bao gồm việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và xác định các ưu tiên phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Đề nghị địa phương và doanh nghiệp lập quỹ hỗ trợ sinh viên vay tiền đi học

Dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp, Đại học Quốc gia TP.HCM và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với mục đích đưa hoạt động khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả sự phát triển chung của 3 đơn vị.

Đây là mô hình hợp tác "3 nhà" (Nhà trường - Địa phương - Doanh nghiệp) đầu tiên Đại học Quốc gia TP.HCM triển khai, nhằm cụ thể hóa các hoạt động theo tinh thần nghị quyết số 57.

Trọng tâm hợp tác trước hết là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ, đào tạo liên kết và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, người lao động.

Trong đó đáng chú ý các bên cũng sẽ xây dựng chính sách học bổng nhằm hỗ trợ người học, đặc biệt là lao động tại địa phương.

PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - khẳng định đại học này rất mong muốn được đồng hành, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, sẵn sàng tư vấn về công tác chuyển đổi số khi tỉnh có nhu cầu.

"Tôi rất mong muốn bằng cách này cách khác, tỉnh nhà có quỹ cho sinh viên đi học. Không cấp học bổng mà cho sinh viên vay để có trách nhiệm, vay để có cam kết trở về làm việc. Tỉnh Đồng Tháp và các doanh nghiệp trên địa bàn sớm xây dựng Quỹ hỗ trợ sinh viên vay vốn, nhằm tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học", ông Quân đề nghị.

Nhà trường thực hiện nghiên cứu đặt hàng từ địa phương và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ hợp tác, ba bên sẽ cùng triển khai nhiều chương trình phối hợp trong các lĩnh vực then chốt, nhằm gắn kết giữa nghiên cứu - đào tạo với thực tiễn sản xuất và phát triển bền vững.

Ông Quân cũng đề xuất xây dựng chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa Đại học Quốc gia TP.HCM và các doanh nghiệp tại địa phương; đồng thời cho rằng việc ký kết hợp tác với giữa doanh nghiệp, địa phương và trường đại học hướng đến mục đích cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết 57 vào thực tiễn. 

Điều này đòi hỏi các bên cần tập trung vào những vấn đề thực tế, những sản phẩm cụ thể, gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như địa phương.

"Nói một cách khác, cần tạo ra được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó Nhà nước ban hành chính sách và đầu tư tài chính cho những hoạt động nghiên cứu dài hơi, nhiều rủi ro; doanh nghiệp đặt đầu bài và đầu tư phát triển công nghệ; viện trường đào tạo nhân lực và cùng thực hiện nghiên cứu đặt hàng từ địa phương và doanh nghiệp", ông Quân nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Quân còn đề nghị Chiến dịch Mùa hè xanh năm 2025 tại Đồng Tháp phải mở rộng nội dung, không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thống như xây cầu, mở đường, mà còn cần phối hợp triển khai chương trình "bình dân học vụ số", góp phần nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và nhận thức số cho người dân.

Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ cho tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 3.Đại học Quốc gia TP.HCM 'tung' ưu đãi thu hút nhà khoa học từ nước ngoài

Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục thông báo tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại đại học này đợt 1 năm 2025 (chương trình VNU 350).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0