14/05/2025 09:22 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với chánh án, viện trưởng

Đại biểu Quốc hội cho rằng thiếu quyền chất vấn, đại biểu HĐND khó yêu cầu chánh án, viện trưởng giải trình trước kỳ họp.

chất vấn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 14-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Phiên thảo luận lần thứ nhất được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Quyền chất vấn là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước 

Dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức thảo luận lần hai tại hội trường về nội dung này vào ngày 16-6. 

Phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phản đối dự thảo nghị quyết hạn chế quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án tòa án và viện trưởng viện kiểm sát.

Theo giải trình, ban soạn thảo cho rằng việc thu hẹp quyền chất vấn đại biểu HĐND là cần thiết do sắp tới, theo chủ trương của Đảng, tòa án và viện kiểm sát cấp huyện sẽ được thay thế bằng các đơn vị khu vực, không gắn với đơn vị hành chính cụ thể. Vì vậy không còn HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn

Mặt khác, tuy Hiến pháp không quy định thẩm quyền này, HĐND vẫn giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, và có quyền kiến nghị với các cơ quan liên quan.

Đại biểu Thúy không đồng tình vì việc duy trì tòa án và viện kiểm sát cấp tỉnh song song với tòa án, viện kiểm sát khu vực gây khó khăn trong việc thuyết phục đại biểu HĐND và cử tri về việc mất quyền chất vấn. 

Mặc dù không gắn với đơn vị hành chính, tòa án và viện kiểm sát khu vực vẫn xử lý công dân thuộc các đơn vị hành chính cụ thể. Việc loại trừ cơ quan này khỏi giám sát của HĐND khiến người dân bị oan sai không có cơ chế chất vấn, do đó Quốc hội cần xem xét kỹ việc giám sát tòa án và viện kiểm sát khu vực trước khi thông qua mô hình này.

Nữ đại biểu cũng cho rằng hai lý do mâu thuẫn. Nếu tòa án, viện kiểm sát khu vực không gắn với đơn vị hành chính thì thẩm quyền giám sát của HĐND đối với các cơ quan này ở mức nào? Có phải chỉ ngang với giám sát doanh nghiệp trung ương?

"Điều đáng quan ngại nhất là lập luận của ban soạn thảo đã đánh đồng các hình thức giám sát khác nhau, trong khi chúng có ý nghĩa, vai trò và hiệu lực pháp lý rất khác nhau. Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình", bà Thúy nêu.

Theo bà Thúy, thiếu quyền chất vấn, đại biểu HĐND khó yêu cầu chánh án, viện trưởng giải trình trước kỳ họp. Hiện nay chất vấn là cơ chế hiệu quả để đại biểu và cử tri trao đổi trực tiếp. Nhận định HĐND vẫn giám sát được chưa phản ánh đúng thực tế.

Mặt khác, việc Hiến pháp không quy định rõ thẩm quyền chất vấn đại biểu HĐND đối với chánh án và viện trưởng trái với nghị quyết 27-NQ/TW. 

Nghị quyết này nhấn mạnh sự thống nhất, phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát quyền lực trong, giữa các cơ quan nhà nước, kết hợp các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.

chất vấn - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) - Ảnh: GIA HÂN

Về thực tiễn, bà Thúy nêu: "Tôi chỉ xét những bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, gây khó khăn thi hành án. Theo báo chí vừa đưa tin, một tỉnh thống kê 28 vụ như vậy (trong đó 11 vụ có kiểm sát viên, chiếm 39,2%), theo báo chí địa phương. Kiến nghị của đại biểu HĐND trong trường hợp này có hiệu lực pháp lý như ý kiến chất vấn công khai không?".

Vì tất cả những lý do trên, bà Thúy đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án, viện trưởng trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới.

"Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc", bà Thúy nêu.

Giám sát công khai hoạt động tư pháp, trách nhiệm chánh án và viện trưởng 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc việc bỏ thẩm quyền chất vấn chánh án, viện trưởng. 

Ông Nghĩa cho rằng Hiến pháp 2013 chỉ bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử, không phải mọi hoạt động. Cương lĩnh xây dựng đất nước và nghị quyết 27-NQ/TW nhấn mạnh giám sát quyền lực nhà nước bởi nhân dân. 

Chất vấn là công cụ giám sát quan trọng, đảm bảo trách nhiệm giải trình trước đại biểu và nhân dân. Duy trì quyền chất vấn cấp tỉnh đối với chánh án, viện trưởng cấp tỉnh là phù hợp, nhất là khi mô hình tổ chức tư pháp 3 cấp được đề xuất.

"Chất vấn của đại biểu HĐND không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của chánh án và viện trưởng. Việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp", ông Nghĩa nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quyền chất vấn của HĐND với Chánh án, Viện trưởng - Ảnh 3.Tổng Bí thư Tô Lâm: Ghi nhận đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp của nhân dân về sửa Hiến pháp

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0