
Bà Trần Thị Nhị Hà - Ảnh: DANH KHANG
Tại buổi tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22-4, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà đánh giá việc tích hợp mua thuốc trên VNeID rất tiện lợi cho người dân.
Hiện nay có trên 80% là thuốc kê đơn, còn thuốc không kê đơn chiếm tỉ lệ rất nhỏ
Tuy nhiên theo bà Hà, hiện nay Luật Dược mới chỉ quy định bán thuốc không kê đơn trên sàn thương mại điện tử, bao gồm cả VNeID.
Trong danh mục của Bộ Y tế quy định hiện nay có trên 80% thuốc kê đơn, còn thuốc không kê đơn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Do vậy để người dân thuận tiện trong việc mua thuốc, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật phù hợp. Đồng thời cần có các căn cứ, quy định pháp luật như tăng cường kê đơn thuốc điện tử.
Bà Hà nhắc lại tại thông tư 04/2022 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc điện tử đã có lộ trình thực hiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như trước 31-12-2022 áp dụng cho các bệnh viện hạng 3 trở lên và đến 30-6-2023 áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên đến nay (tháng 4-2025) việc kê đơn thuốc điện tử vẫn còn nhiều hạn chế, bởi rất nhiều nguyên nhân như mã bác sĩ, mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mã bệnh nhân cần được cấp tài khoản từ Bộ Y tế.
Do vậy, bà mong muốn cơ sở pháp lý cần hoàn thiện hơn.
"Khi thúc đẩy được kê đơn thuốc điện tử sẽ cho phép bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Khi đó mới là phương thức hoàn thiện dịch vụ rất tiện lợi cho người dân", bà Hà nói và mong muốn Bộ Y tế thúc đẩy, quan tâm ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Từ góc độ doanh nghiệp, để phục vụ chuyển đổi số y tế an toàn và minh bạch, bà Nguyễn Đỗ Quyên - phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc điều hành FPT Long Châu - đề xuất các cơ quan quản lý thúc đẩy sớm việc định danh nhà thuốc.
Bà nhấn mạnh Long Châu rất ủng hộ và sẵn sàng tham gia định danh nhà thuốc, minh bạch hóa các khâu để người dân an tâm mua thuốc, góp phần tăng hiệu quả và tính tuân thủ trong điều trị.

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Đề xuất định danh người bán trên thương mại điện tử để loại hàng giả
Với vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa bị cơ quan công an phanh phui, bà Lê Thị Hà - trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho hay qua điều tra, các sản phẩm này chủ yếu phân phối theo kênh bán hàng qua mạng xã hội.
Bà chỉ rõ nếu xác thực thông tin của người bán hàng qua điện thoại thì tình trạng sim rác vẫn tồn tại, người dân sử dụng sim rác để mở tài khoản, xác thực kết nối với ngân hàng điện tử để mua bán trên mạng.
Việc truy cứu rất khó khăn khi sim rác này không còn sử dụng nữa. Một số nền tảng lớn, chỉ xác thực người bán qua OTP điện tử và vẫn bị lạm dụng khi sim rác bị chiếm đoạt bởi người thứ ba.
Do đó cục nghiên cứu trình Bộ Công Thương hồ sơ đề nghị xây dựng dự Luật Thương mại điện tử, liên quan đến 5 chính sách, trong đó làm sao để xác thực danh tính điện tử của người bán trên nền tảng thương mại điện tử.
Nền tảng thương mại điện tử bao gồm cả mạng xã hội - đây là kênh bán hàng đặc thù và đặc biệt, có thể kết nối người bán với người mua nhanh chóng như livestream bán hàng lên tới hàng trăm tỉ đồng; hoặc bán hàng không đảm bảo an toàn chất lượng trên nền tảng số.
Nêu rõ hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan, bà đề nghị cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được.
Vì vậy xác thực danh tính điện tử với người bán trên các nền tảng thương mại điện tử là một chính sách đặc thù.
BÌNH LUẬN HAY