17/05/2025 12:40 GMT+7

Đại biểu đề xuất cấm quảng cáo quá mức công dụng thực phẩm, quản lý nghiêm ngặt giảm cân cấp tốc

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cấm quảng cáo quá mức về công dụng thực phẩm và những tuyên bố như 'chữa bệnh', 'giảm cân cấp tốc' phải bị quản lý nghiêm ngặt.

thực phẩm - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 17-5, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đề xuất tăng mạnh chế tài, hình phạt với thực phẩm kém chất lượng

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) lo ngại thời gian qua hàng loạt vụ việc, thực phẩm chức năng giả được cơ quan chức năng phát hiện, cho thấy sự nguy hiểm liên quan chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm mà người dân sử dụng hằng ngày trong thời gian dài.

Trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bổ sung chỉ bổ sung vitamin và khoáng chất, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Bà đề nghị cơ quan nhà nước phải yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với nhóm sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nhóm đối tượng dễ tổn thương.

Hồ sơ công bố phải có kết quả nghiên cứu; xét duyệt kết quả nghiên cứu và phải có tiêu chuẩn riêng. Đồng thời đề nghị cấm quảng cáo quá mức về công dụng. Những tuyên bố như "chữa bệnh", "giảm cân cấp tốc" phải bị quản lý nghiêm ngặt.

Bà Thu đề nghị quy định ngay trong luật việc tăng mạnh chế tài, hình phạt khi phát hiện gian lận chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Trong đó có đình chỉ lưu hành, yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ; truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và bồi thường cho khách hàng đã mua, sử dụng sản phẩm đó.

Đại biểu cũng cho rằng sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm sức khỏe chịu nhiều quy định quản lý, tuy nhiên vẫn xảy ra việc sản xuất thuốc giả, sữa giả, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện.

Theo bà Thu, lỗ hổng chính là doanh nghiệp được tự công bố. Một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường không cần chờ phê duyệt trước khi lưu hành; không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường.

"Cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm, mà chỉ kiểm soát qua hồ sơ do doanh nghiệp nộp. Trong khi doanh nghiệp có thể khai sai sự thật, thiếu trung thực", đại biểu Thu nêu và đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ để siết quy định tại dự thảo cho phù hợp.

Cần tập trung hậu kiểm trọng tâm với nhóm sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng một trong những điểm còn hạn chế của dự thảo luật là chưa sửa đổi tương xứng các quy định về kiểm tra, hậu kiểm - một trụ cột quan trọng trong hệ thống bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo bà Hà, hiện nay số lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện công bố hoặc tự công bố ngày càng tăng, trong khi đội ngũ làm công tác hậu kiểm còn mỏng, phương tiện kỹ thuật hạn chế.

"Công tác hậu kiểm còn nặng tính hình thức, bị động, thiếu cơ chế phân tích rủi ro, thiếu kết nối dữ liệu, thiếu hệ thống giám sát cảnh báo và chưa có cơ chế huy động lực lượng xã hội tham gia", bà Hà nói.

Dự thảo luật quy định chỉ cho phép kiểm tra khi đã có dấu hiệu sai phạm hoặc có phản ánh, cảnh báo từ cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế hoặc người tiêu dùng.

Cho rằng quy định trên mang tính "thụ động", bà Hà nêu cách tiếp cận trong kiểm tra chưa đúng với nguyên tắc quản lý rủi ro và cũng không phù hợp với nguyên tắc "bảo vệ người tiêu dùng là mục tiêu cao nhất" của hệ thống bảo đảm chất lượng.

Từ đó bà Hà đề xuất bổ sung một điều riêng hoặc sửa đổi các điều khoản liên quan đến cơ chế hậu kiểm theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

"Cần tập trung hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm với nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao hoặc các tổ chức, cá nhân từng bị xử lý vi phạm nhiều lần, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe", bà Hà nhấn mạnh.

Song song đó cần bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và phương thức tham gia của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động hậu kiểm.

Bà Hà kiến nghị sửa đổi quy định hiện hành để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các tổ chức này được tham gia giám sát, kiến nghị thu hồi, công khai vi phạm.

Bà cũng đề nghị chuyển từ cơ chế kiểm tra thụ động sang chủ động, có kế hoạch, dựa trên phân tích dữ liệu và phản ánh từ nhiều nguồn, chứ không chỉ chờ đến khi có vi phạm mới xử lý.

Ngoài ra bổ sung quy định về công khai kết quả hậu kiểm và áp dụng cơ chế thu hồi bắt buộc, triệt để toàn bộ lô sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là với sản phẩm rủi ro cao.

Đại biểu đề xuất cấm quảng cáo quá mức công dụng thực phẩm, quản lý nghiêm ngặt giảm cân cấp tốc - Ảnh 3.Đề xuất bổ sung 44.000 tỉ đồng chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức sau tinh gọn bộ máy

Việc bổ sung 44.000 tỉ đồng chi trả chế độ cho cán bộ, công chức sau tinh gọn bộ máy dự kiến được Quốc hội bàn và thông qua nghị quyết trong sáng nay 17-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0