
Cầu Hôn ở phường An Thới (TP Phú Quốc, Kiên Giang)
Các đặc khu không chỉ có vị trí chiến lược, quốc phòng, an ninh trên vùng biển phía Tây Nam mà còn có nét đẹp đời sống, văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người dân làng chài và cũng là điểm du lịch biển đảo sôi động thu hút du khách.
Độc đáo cảnh núi non, biển đảo hùng vĩ
Kiên Giang được thành lập tháng 6-1976, có vị trí nằm tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc và có địa hình đa dạng với đồng bằng, đồi núi và hải đảo (khoảng 140 hòn đảo lớn nhỏ), trong đó có đảo Phú Quốc, Thổ Châu và Kiên Hải.
Phú Quốc là đảo xa nhất về phía Tây Nam và lớn nhất Việt Nam. Xã đảo Thổ Châu cách Rạch Giá khoảng 198km đường biển.
Huyện Kiên Hải (sau này đặc khu Kiên Hải) là quần đảo được tách ra gồm 73 đảo khơi của huyện An Biên và Hà Tiên.
Tên Kiên Hải có ý nghĩa đặc biệt là một vùng biển của tỉnh Kiên Giang và nằm trong vùng vịnh Rạch Giá với 4 đơn vị hành chính gồm: xã Hòn Tre, Hòn Sơn, Nam Du và An Sơn.
Với núi non trùng điệp, có nhiều quần đảo đẹp và giáp với 3 nước Thái Lan, Campuchia, Malaysia nên Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang) có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh đối với đất nước.
"Phú Quốc là hòn đảo có vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng. Việc sắp xếp lại chính quyền cấp cơ sở là bước ngoặt đặc biệt, củng cố vị thế để Phú Quốc hội tụ đủ tiềm năng, vị thế đối với quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới phát triển bền vững", ông Ngô Thành Phước - nguyên bí thư Huyện ủy Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) - nói.

Cảnh biển đảo huyện Kiên Hải (Kiên Giang)
Đặc sắc du lịch biển đảo
Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng - nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc lập đặc khu Phú Quốc, Thổ Châu và Kiên Hải tạo động lực mở đường phát triển về kinh tế, văn hóa địa phương sau này.
Phú Quốc hiện đang là điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 2024, Phú Quốc ước đón gần 6 triệu lượt khách với tổng thu du lịch hơn 21.000 tỉ đồng.
Phú Quốc đến nay thu hút khoảng 320 dự án, tổng vốn đầu tư 388.410 tỉ đồng. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup… đã và đang thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh du lịch của Phú Quốc.
Đảo này có nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo như cầu Hôn, cáp treo Hòn Thơm, khu Safari Phú Quốc, khu Grand World Phú Quốc, lặn ngắm san hô… thu hút du khách trong và ngoài nước.

Xã đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, Kiên Giang)
Du lịch biển đảo Hòn Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải) thời gian qua cũng thu hút đông đảo du khách. Ở đây khách du lịch trẻ thích trải nghiệm đi lặn biển, leo núi Ma Thiên Lãnh (độ cao hơn 400m so với mặt nước biển), chèo sup, ăn hải sản tươi ngon.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang - chia sẻ du lịch Phú Quốc đặc biệt hơn khi hòn đảo này đang là điểm đến hàng đầu của khách quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Sau này Phú Quốc trở thành đặc khu sẽ có nhiều chính sách thông thoáng giúp cho nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch.
Kiên Giang định hướng sắp xếp 3 đặc khu Phú Quốc, Thổ Châu và Kiên Hải
Theo định hướng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp cơ sở của Kiên Giang, đặc khu Phú Quốc dự kiến thành lập trên cơ sở nhập 8 đơn vị xã, phường của thành phố này, dân số hơn 159.800 người; đặc khu Thổ Châu thành lập trên cơ sở xã Thổ Châu, dân số 1.823 người và đặc khu Kiên Hải được thành trên cơ sở nhập 4 xã của huyện này, dân số khoảng 20.500 người.
BÌNH LUẬN HAY