
Nguyễn Mạnh Duy giương cao lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Everest - Ảnh: NVCC
Trong khoảng 30 năm qua, hàng trăm người trên thế giới đã chinh phục đỉnh Everest, trong đó có cả một số nhà leo núi người Việt. Việc anh Nguyễn Mạnh Duy chinh phục thành công Everest và Lhotse - ngọn núi cao thứ 4 thế giới - chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ là điều hiếm có.
Cảm giác như được tái sinh sau khi vượt ngưỡng tử
“Thấy mình như được tái sinh”. Đó là cảm xúc đọng lại của anh Nguyễn Mạnh Duy (40 tuổi) sau hành trình 40 ngày đối mặt với hiểm nguy, thử thách ở dãy Himalaya. Hành trình mà anh đã lần lượt chinh phục đỉnh Everest (ngày 11-5) và sau đó là đỉnh Lhotse (13-5) chỉ trong chưa đầy 48 giờ.
Đường lên Everest vô vàn thử thách. Mỗi bước chân là sự đối mặt với những mỏm đá sắc nhọn, vách núi dễ sạt lở, băng tuyết lạnh cắt da và những cơn gió lốc bất ngờ.
“Đã có lúc tôi mệt đến mức không còn cảm nhận được bản thân là ai. Mỗi bước đi trở thành một trận chiến. Có khi trong một phút, tôi chỉ nhích được một bước. Nhưng tôi vẫn mím chặt môi bước tiếp, vì tôi hiểu điều dẫn chúng ta đến đích không chỉ là sức mạnh thể chất, mà còn là ý chí và sức mạnh tinh thần”, anh chia sẻ.
Giữa thiên nhiên hùng vĩ và khắc nghiệt, anh Duy cảm nhận rõ sự nhỏ bé của con người. Cũng từ đó, anh thấy mình thật may mắn vì còn sống, còn được cảm nhận thế giới xung quanh và còn có cơ hội để trở về.
“Sau chuyến đi, tôi cảm thấy như được tái sinh, trở thành một con người khác: điềm tĩnh hơn, sâu sắc hơn và biết trân trọng hơn những điều giản dị trong cuộc sống”, anh chia sẻ.
Không đến với leo núi để lập kỷ lục hay tìm kiếm danh vọng, cũng không mang tâm thế của một vận động viên chuyên nghiệp, anh bước vào hành trình với tinh thần nhẹ nhàng và tự do. Có lẽ chính sự vô tư đó đã giúp anh nhận lại nhiều hơn cả mong đợi.
Khoảnh khắc đặt chân lên đỉnh núi, điều đầu tiên anh Duy nghĩ đến là lấy ra lá cờ đỏ sao vàng để chụp cùng hình ảnh thiêng liêng ấy.
Trên đỉnh Everest, thời tiết khá thuận lợi, anh có khoảng 15 phút để giương cao quốc kỳ.
Còn ở Lhotse, gió giật mạnh tới 50-60km/h khiến anh chỉ kịp ôm lá cờ vào người, giữ lấy biểu tượng của Tổ quốc.
Cựu nhà báo của báo Người Lao Động chia sẻ: “Được giương cao lá cờ Việt Nam trên nóc nhà thế giới là một niềm tự hào lớn. Bởi đến nay vẫn còn rất ít người Việt có thể làm được điều đó”.
Qua hành trình này, anh cũng muốn chứng minh rằng thể trạng người Việt không thua kém bất kỳ ai. Và chinh phục đỉnh Everest cũng không phải là điều bất khả thi. Điều quan trọng là có một kế hoạch rõ ràng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một ý chí đủ mạnh để không bỏ cuộc giữa chừng.

Mạnh Duy (áo đỏ) cùng người bạn đồng hành Temba Bhote trên đường chinh phục "nóc nhà thế giới" - Ảnh: NVCC
Lên kế hoạch từng bước chinh phục đỉnh Everest
Anh Duy có mối duyên đặc biệt với vùng đất Himalaya từ hơn 10 năm trước. Những chuyến đi thường xuyên qua lại nơi đây đã khiến niềm đam mê chinh phục các dãy núi hùng vĩ lớn dần trong anh.
Tháng 4-2023, anh lần đầu chinh phục đỉnh Mera Peak cao 6.476m. Ngay sau đó, anh đặt mục tiêu phải đứng được trên đỉnh Everest trong vòng hai năm. Cuối cùng, anh không chỉ đạt được mục tiêu mà còn vượt xa kỳ vọng khi tiếp tục chinh phục thêm đỉnh Lhotse.
Để đạt được thành công ấy, anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, thể lực, sức bền và sự chịu đựng. Cùng với đó, anh còn nhận được sự hỗ trợ từ Công ty tổ chức leo núi Adventure 14 Summit cùng người bạn đồng hành Temba Bhote (biệt danh "Himalayan Sherpa") với hơn 10 lần chinh phục thành công đỉnh Everest.
Để thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở độ cao gần như không còn oxy, anh Duy đã xây dựng lộ trình rèn luyện khoa học. Mỗi năm, anh thử sức với một đỉnh cao hơn. Có năm, anh đi đến 2 chuyến để tăng cường khả năng thích nghi. Riêng với Everest, anh đã có 4 hành trình làm quen trước khi chính thức leo đỉnh.
"Leo núi không thể nóng vội. Muốn đến được Everest, tôi phải vượt qua các mốc 6.000m, 7.000m, rồi 8.000m. Mỗi đỉnh núi là một nấc thang để tôi tập luyện và thích nghi", anh nói.
Trong hành trình đầy thử thách ấy, gia đình là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Ở giai đoạn nước rút để chinh phục Everest, vợ và người thân của anh lo lắng đến nghẹt thở. Nhưng chính họ cũng là động lực lớn nhất khiến anh quyết định leo tiếp Lhotse, dù ban đầu dự định dừng lại sau Everest.
Trở về sau hơn 40 ngày ở Nepal, anh Duy dành thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và quây quần bên gia đình. Kế đến, anh bắt đầu lên kế hoạch cho một dự án chia sẻ trải nghiệm leo núi, văn hóa và đời sống tinh thần vùng Himalaya.
Nguyễn Mạnh Duy
Tôi không khuyên ai đi leo Everest. Đây là môn thể thao khắc nghiệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tôi chỉ kể lại hành trình của mình. Nếu ai đó đồng cảm, họ sẽ tìm thấy con đường riêng
Với những người đã quyết tâm chinh phục Everest, anh nhắn nhủ rằng nếu đã có một giấc mơ, hãy để nó đủ lớn. Điều quan trọng là phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, chi tiết để từng bước biến giấc mơ thành hiện thực.
Trước đó vào tháng 9-2024, anh chinh phục đỉnh Manaslu (8.163m), trở thành người Việt Nam đầu tiên lên tới đỉnh núi hiểm trở này. Tính đến nay, anh đã chinh phục 3 trong số 14 đỉnh núi cao nhất hành tinh, một thành tích đáng tự hào của người Việt trên bản đồ leo núi thế giới.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), anh Nguyễn Mạnh Duy từng làm báo từ năm 2006 đến 2015. Bước ngoặt đến vào năm 2014, khi anh lần đầu đặt chân đến vùng Himalaya. Từ đó, tình yêu dành cho mảnh đất này ngày càng lớn, thôi thúc anh tìm hiểu sâu về văn hóa và đời sống tinh thần nơi đây.
Hiện tại, anh đang phát triển chuỗi "Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng" tại Hà Nội và TP.HCM. Nơi đây là không gian trưng bày các vật phẩm văn hóa đặc trưng của vùng Himalaya, giúp mọi người tìm thấy sự an yên và cân bằng trong đời sống tinh thần. Ngoài ra, anh còn tổ chức các chuyến hành hương, du lịch văn hóa và chữa lành đến Nepal, Tây Tạng, Bắc Ấn Độ và Bhutan.
BÌNH LUẬN HAY