20/07/2025 12:27 GMT+7

Cuộc chiến với tội phạm hàng giả

40 tỉ đồng là tổng giá trị hàng hóa mà Công an TP.HCM đã thu giữ trong cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

hàng giả - Ảnh 1.

Tang vật thu giữ trong đường dây mua bán “bóng cười” quy mô lớn vừa được PC03 đột phá - Ảnh: Công an cung cấp

Điều này cho thấy hàng giả, hàng lậu đã âm thầm len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, gây nguy cơ cho nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15-5 đến nay hàng loạt băng nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn đã bị lực lượng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM triệt phá đưa ra ánh sáng.

Từ "bóng cười" đến mỹ phẩm giả

Mới đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC03 Công an TP.HCM phát hiện đường dây mua bán và phân phối khí N₂O (khí cười hay là bóng cười). Loại khí gây nghiện này bị cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng nhưng đang được nhiều đối tượng tung ra thị trường gây hại cho sức khỏe con người.

Sau quá trình theo dõi, cùng sự phối hợp của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các phường Cầu Ông Lãnh, Tân Hưng... PC03 đã đồng loạt kiểm tra quán bar The Black Lounge và kho chứa "bóng cười" do Nguyễn Trường Hoạt (25 tuổi) làm chủ.

Kết quả điều tra xác định từ đầu năm 2025 đến khi bị phát hiện, Hoạt đã tổ chức đường dây sang chiết, mua bán và phân phối "bóng cười" trái phép với quy mô lớn. Hoạt và đồng phạm đã tàng trữ "bóng cười" tại các kho hàng và phân phối cho quán bar The Black Lounge do chính mình làm chủ, cũng như bán lẻ cho khách bên ngoài.

Để qua mặt cơ quan chức năng, hoạt động mua bán "bóng cười" được ngụy trang bằng hình thức "Cocktail" trong hóa đơn thanh toán tại quán bar, có hệ thống nhân sự phục vụ chuyên nghiệp, phân công chặt chẽ từ chiết nạp, giao bóng, phục vụ khách đến ghi nhận doanh thu.

Đường dây này còn tổ chức bán lẻ qua mạng xã hội, có cộng tác viên, hệ thống giao hàng và thu tiền khép kín. Từ ngày 1-1-2025 đến nay, nhóm trên đã thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Mới đây, ngày 14-7 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trường Hoạt cùng 7 đồng phạm điều tra về tội "buôn bán hàng cấm".

Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dương (26 tuổi, quê Tây Ninh) để điều tra về tội "buôn bán hàng giả". Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 30.000 đơn vị mỹ phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như Johnson's baby, Clear, Sensodyne, Nivea, Romano... tại kho hàng ở khu dân cư Nam Long (phường An Lạc, TP.HCM) do Dương thuê. Toàn bộ tang vật vi phạm được xác định có giá trị trên 2 tỉ đồng.

Để phân phối hàng giả, Dương đã sử dụng các tài khoản ảo Facebook, Zalo, Telegram để trao đổi, rao bán sản phẩm với các đầu mối và người mua lẻ. Việc giao hàng nội thành được thực hiện qua các ứng dụng giao hàng và đối với hàng gửi đi các tỉnh, Dương sẽ gửi ở các chành xe.

Công an TP.HCM nhận định đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm dùng cho trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương bởi các sản phẩm kém chất lượng.

Tội phạm hàng giả ngày càng tinh vi

Ngoài các vụ điển hình nêu trên, gần đây Công an TP.HCM đã liên tiếp triệt xóa nhiều đường dây sản xuất, mua bán hàng giả thương hiệu nổi tiếng, vốn được người Việt ưa dùng như đường dây sản xuất 220.000 chai nhớt giả thương hiệu Castrol, Yamaha, Honda...; băng nhóm sản xuất dầu gió con ó giả nhãn hiệu "Eagle Brand Medicated Oil" của Singapore với số lượng gần 70.000 chai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Phạm Thành Công, phó đội trưởng đội 6 (Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM), nhận định tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả đã chuyển từ phương thức truyền thống sang việc lợi dụng công nghệ hiện đại như liên lạc ẩn danh qua các ứng dụng, lợi dụng các đơn vị vận chuyển công nghệ để giao nhận hàng hoặc tiêu thụ hàng giả qua các nền tảng thương mại điện tử để che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

"Các đối tượng thường lập kho hàng trong hẻm sâu, lẫn sâu trong khu dân cư, chung cư hoặc thuê nhà không địa chỉ để né tránh sự dò xét từ cơ quan chức năng", trung tá Công nói.

Thượng tá Phạm Xuân Lâm, phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, lý giải TP.HCM là đô thị lớn và là nơi giao thương sôi động của cả nước nên tình hình sản xuất, mua bán hàng giả và kinh doanh hàng nhập lậu diễn biến rất phức tạp dù cơ quan công an thường xuyên kiểm tra, xử lý. Các vụ việc được phát hiện thường có quy mô lớn và liên quan đến nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau.

"Một số thủ đoạn đáng lưu ý chẳng hạn như làm giả các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, làm nhái các sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, làm giả bao bì nhãn hiệu hoặc đóng gói lại hàng nhập lậu", thượng tá Lâm khuyến cáo.

hàng giả - Ảnh 2.

Công an TP.HCM kiểm tra kho hàng chứa mỹ phẩm giả - Ảnh: Đ.THUẦN

Hoàn thiện pháp lý xử lý livestream bán hàng giả

Cũng theo thượng tá Lâm, Công an TP.HCM xác định tội phạm sản xuất hàng giả, hàng lậu là loại tội phạm nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Do đó, Công an TP.HCM quán triệt chủ trương "phòng ngừa chủ động - phát hiện từ sớm - xử lý nghiêm từ gốc", đồng thời lập các chuyên án để đấu tranh và phối hợp liên ngành để triệt phá tận gốc các tổ chức và cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, khẩn trương điều tra để sớm đưa ra xét xử đối với những vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu.

Theo đó, Công an TP.HCM tập trung đấu tranh đối với tội phạm làm giả, buôn bán các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thuốc, thuốc chữa bệnh; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm và các thiết bị y tế.

Trong bối cảnh sau sáp nhập địa bàn, quy mô quản lý rộng hơn, thách thức sẽ càng lớn hơn nên theo thượng tá Lâm, đơn vị đã chủ động định hướng công tác trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, bám sát địa bàn, đặc biệt là các kho hàng, chợ đầu mối, doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong theo dõi, điều tra, phân tích dữ liệu. Đặc biệt, kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phối hợp xử lý thương mại điện tử, livestream, vận chuyển hàng hóa...

"Với tinh thần chủ động, bản lĩnh, lực lượng cảnh sát kinh tế sẽ luôn nỗ lực để giữ vững an ninh kinh tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp chân chính", thượng tá Lâm nhấn mạnh.

Làm rõ hành vi tiếp tay quảng cáo sai sự thật

Đó là khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả các mặt công tác công an 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 mới đây.

Ông cho biết việc xử lý hàng giả, hàng nhái sẽ tập trung đồng bộ vào các lĩnh vực gồm: phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái... Đồng thời xem xét làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước, tiếp tục làm rõ hành vi "tiếp tay" như quảng cáo sai sự thật.

Về phương hướng thời gian tới, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định bộ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công an các đơn vị, địa phương với tinh thần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này, qua đó bảo đảm sức khỏe của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Quốc hội) Nguyễn Đắc Vinh cho hay vấn đề liên quan hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, các cơ quan thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8-2025 sẽ tổ chức phiên giải trình. Theo đó, phiên giải trình liên quan 2 nhóm chính là thuốc giả - thực phẩm giả.

Khởi tố 19 vụ án, 52 bị can

Thực hiện cao điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (từ 15-5 đến 14-8), đến nay Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM phát hiện 67 vụ việc, 77 đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ... Qua đó, thu giữ trên 840.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa với tổng giá trị khoảng 40 tỉ đồng. Trong đó, đã khởi tố 19 vụ án, 52 bị can và chuyển các cơ quan thẩm quyền để đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 18 người.

Trung tá Phạm Thành Công cho biết pháp luật đã có quy định, chế tài rất cụ thể đối với những người có hành vi sản xuất, buôn báng hàng giả, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định khung hình phạt đối với nhóm tội phạm này lên đến 20 năm tù.

Ông khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi mua hàng qua mạng, ưu tiên các kênh mua bán chính thống, mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn chứng từ, không nên vì ham rẻ mà tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người tiêu dùng thông minh sẽ góp phần vào "mặt trận" chống hàng giả.

Cuộc chiến với tội phạm hàng giả - Ảnh 3.Cận cảnh kho hàng hơn 10.000 chai nước hoa Chanel, Bvlgari, Dior... giả, Công an TP.HCM vừa thu giữ

Công an TP.HCM khám xét tại 3 địa điểm là nơi đăng ký kinh doanh, đóng gói và kho, qua đó thu giữ hơn 10.000 chai nước hoa giả các loại với trị giá ước tính (tương đương hàng thật) hơn 10 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0