
Công tố viên trưởng Tòa hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, Văn phòng Giám sát nội bộ của Liên hợp quốc đã bắt đầu điều tra từ tháng 11-2024, với các báo cáo cho rằng ông Khan, 55 tuổi, có hành vi quấy rối tình dục đối với một nữ nhân viên dưới quyền trong văn phòng của mình.
Báo Guardian từng đưa tin các cáo buộc bao gồm hành vi động chạm tình dục không mong muốn, “lạm dụng” kéo dài, hành vi ép buộc và lạm dụng quyền lực.
Ông Khan đã phủ nhận các cáo buộc và khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra.
Thông cáo từ Văn phòng công tố viên ICC ngày 16-5 cho biết ông Khan "đã thông báo quyết định tạm nghỉ cho đến khi cuộc điều tra nội bộ của Liên hợp quốc kết thúc". Các phó công tố viên sẽ điều hành văn phòng thay ông trong thời gian này.
Quyết định của ông Khan được cho là xuất phát từ áp lực mới của các quan chức ICC hồi đầu tuần, sau khi truyền thông công bố thêm chi tiết cáo buộc.
Ông Khan sinh tại Scotland, học luật đại học tại King's College, London. Cha ông là người Pakistan, mẹ là người Anh, ông là thành viên Hồi giáo thiểu số Ahmadiyya.
Ông hành nghề luật sư từ năm 1992 và bắt đầu sự nghiệp pháp lý quốc tế tại các tòa án tội ác chiến tranh Nam Tư cũ và Rwanda giai đoạn 1997-2000.
Ông cũng từng đại diện cho các nạn nhân và thân nhân các nạn nhân chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia tại tòa án do Liên hợp quốc thành lập vào cuối những năm 2000.
Ông Karim Khan đảm nhận cương vị công tố viên trưởng tại ICC có trụ sở ở The Hague từ tháng 6-2021. Trong suốt sự nghiệp, ông Khan từng đối mặt nhiều tranh cãi.
Ông bào chữa cho cựu tổng thống Liberia Charles Taylor trước các cáo buộc tội ác chiến tranh tại Sierra Leone, bảo vệ Tổng thống Kenya William Ruto trong vụ án tội ác chống lại loài người tại ICC (sau đó bị hủy), và con trai cố lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi, Seif al-Islam.
Ông cũng là người ký lệnh bắt của ICC với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhân vật cấp cao của Hamas với cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
ICC có nhiệm vụ điều tra và truy tố các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội xâm lược. Tuy nhiên, dù các phán quyết của tòa có tính ràng buộc với các nước thành viên, ICC lại không có cơ chế thi hành.
BÌNH LUẬN HAY