
Gia đình bà Ngô Thị Vân Anh - phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM) trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ - Ảnh: VŨ TUẤN
Bà Ngô Thị Vân Anh, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Sở Y tế TP.HCM) tâm sự: “Tháng tư là tháng tôi sinh ra, cũng là tháng chúng tôi mất ba. Thế rồi cũng tháng tư tôi được thấy mặt ba qua ảnh.
Ba tôi giống bác tôi thiệt, nhưng tự tin và mạnh mẽ trong bộ quân phục giản dị. Mỗi lần tháng tư, xem duyệt binh mừng ngày thống nhất, chúng tôi lại thấy trong đoàn diễu binh ấy thấp thoáng bóng dáng của ba tôi”.

Bà Vân Anh có tình cảm đặc biệt với người lính vì có hình bóng của người cha đã hy sinh - Ảnh: NVCC
Tìm bóng dáng cha trong đoàn diễu binh
Trong sân Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, lũ trẻ bám víu vào "bà ngoại" đòi đi chơi, chụp ảnh với chúng. Bà Vân Anh cười hiền, ánh mắt như bà ngoại của lũ trẻ. Bà không được nhìn mặt cha. Suốt 40 năm, tấm bằng “Tổ quốc ghi công” thay cho di ảnh cha trên bàn thờ.
Bà là con của liệt sĩ Ngô Đình Quang, hy sinh tháng 4 năm 1970, lúc bà mới sinh ra được một tuần lễ. Ngày ấy, gia đình bà ở Điện Bàn, Quảng Nam. Bà là con gái út trong gia đình có bảy người con.
Hai anh chị cả của bà mất sau một trận bom của quân đội Mỹ rải xuống quê nhà. Lúc ấy, mẹ bà đang mang bầu bà được vài tháng. Gia đình bên ngoại bàn bạc đưa cả nhà vào Sài Gòn mưu sinh, tránh bom rơi đạn lạc.

Giờ học đồ họa của trẻ tàn tật, mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè - Ảnh: VŨ TUẤN
Cả nhà dắt díu nhau vào Sài Gòn, kê một cái thùng phuy gỉ ra vỉa hè, bày mấy can nhựa bán xăng lẻ cho những người chạy xe gắn máy. Mẹ bà còn cắp cái thúng bên hông, đi khắp các chợ, các phố bán bánh thuẫn. Bữa cơm chiều của sáu mẹ con nhiều khi chính là những cái bánh ế của mẹ.
Lúc lớn hơn một chút, các anh, chị đi bán cà rem phụ mẹ. Cả nhà quây quần trong căn nhà sàn gỗ phía sau vườn. Căn nhà mặt tiền trên phố của cậu là nơi lui tới họp hành của cán bộ quân giải phóng.
Lúc ấy, bà Vân Anh vẫn là đứa trẻ nước mũi quệt ngang. Cậu dặn mấy anh chị em lúc nào cửa sổ nhà cậu đóng thì cậu đang “bận công chuyện”, mấy đứa ở ngoài bán xăng, thấy người lạ phải mời mua xăng thật to để cậu biết từ xa. Khi cửa sổ mở là nhà không có ai.
Sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ thành phố về bàn chuyện sẽ cấp cho sáu mẹ con bà một căn nhà. Ngày ấy mẹ bà không nhận vì “nhường lại cho người khó khăn hơn”.

Bà Ngô Thị Vân Anh được lũ trẻ gọi bằng "má", bằng "ngoại" như người ruột thịt - Ảnh: VŨ TUẤN
Tẩn tảo buôn bán miết bà cũng tậu được một miếng đất nhỏ, dựng một căn nhà sàn gỗ. Cả sáu mẹ con nằm chăng chít trong cái sàn gỗ ấy, vui vẻ, ấm cúng. Những ngày giỗ chạp, ai cũng buồn vì trên ban thờ chỉ có tấm bằng “Tổ quốc ghi công” thay cho di ảnh cha.
“Má tôi nói ba tôi rất giống bác, chúng tôi nhìn ảnh bác chụp chung với gia đình ngoài Hà Nội gửi vô tưởng tượng ra ba tôi” - bà Vân Anh kể.
Đến năm 41 tuổi, có lần bác gọi điện ra sân bay đón đồng đội của ba tôi về nhà thắp hương. Ngày ấy đúng tháng 4, cả thành phố tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất.
Đồng đội của liệt sĩ Quang trao lại cho gia đình bà Vân Anh bức ảnh chân dung đen trắng. Nghe đồng đội kể lại, bức ảnh ấy đồng đội tìm lại trong hồ sơ của đơn vị.
Cả nhà 4 thế hệ tiếp nối cống hiến cho Tổ quốc
Ngày bà Vân Anh chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba thì gia đình có “suất” đi lao động nước ngoài. Mẹ của bà là vợ liệt sĩ, cô, dì là mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày trước giải phóng mẹ và cậu của bà còn làm du kích, làm giao liên, nuôi giấu cán bộ.

Mong muốn của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè là trẻ khỏe mạnh, hòa nhập với cộng đồng - Ảnh: VŨ TUẤN
Gia đình bà được ưu tiên đi Liên Xô, Đông Đức xuất khẩu lao động. Ba chị em bà Vân Anh có cơ hội để giúp mẹ đỡ cực. Anh chị bà Vân Anh đi Liên Xô, bà sang Đông Đức. Được một thời gian thì Liên Xô xụp đổ, bức tường Berlin bị đập bỏ.
Bạn bè của bà nhiều người lựa chọn ở lại, vượt qua bức tường Berlin buôn bán. Khi ấy đồng lương của bà mới gửi về cho mẹ được vài bộ quần áo với chiếc bàn ủi.
Mẹ bà dặn dò: “Má đã mất ba con, má không muốn mất thêm đứa nào nữa...”. Thế là ba anh chị em bà thu quần áo, nhét thêm con búp bê lật đật vào vali, lên tàu về nước.
Chút vốn liếng ít ỏi, bà Vân Anh tính ra Chợ Lớn buôn đồ gỗ với các cậu nhưng mẹ bà lại muốn bà làm việc trong cơ quan nhà nước. Chẳng phải vì đồng lương mà nguyện vọng của bà muốn các con đóng góp sức mình cho những việc chung. Thế là cô thanh niên Vân Anh đi học ngành sư phạm mầm non.
Ra trường loại xuất sắc, cô được dạy học ở Trường mầm non Bến Thành. Ngày được kết nạp Đảng, mẹ cô mang hoa đứng trước cổng trường chờ con gái để chúc mừng.
Rồi câu chuyện sinh hoạt Đảng của mấy chị em rôm rả ở nhà trở thành niềm vui của người vợ liệt sĩ. Bà không mong gì các con giàu có, nhiều tiền, nhưng luôn dặn các con sống tốt với mọi người, giúp người khác được gì thì giúp hết mình.
Bà ngoại đặc biệt của trẻ tật nguyền mồ côi
Ấy là từ khi Nà nước có chủ trương chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Bà Vân Anh học sư phạm mầm non theo hệ 9+2.
Trong khi để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, cô giáo mầm non cũng phải qua đào tạo cao đẳng, đại học. Bà được phân công sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, làm việc ở Trung tâm Dưỡng lão với công việc phục vụ.

Bài tập làm văn của trẻ khuyết tật trên điện thoại - Ảnh: VŨ TUẤN
Cô giáo mầm non yêu trẻ ngày nào vui vẻ nhận lời: “Mình đã hứa là nhiệm vụ nào cũng nhận, cũng làm thật tốt rồi mà”.
Từ đây, cô giáo mầm non yêu trẻ trở thành con của hàng chục mẹ Việt Nam anh hùng. Những người mẹ mà chồng, con đã cống hiến thân mình cho đất nước. Bà gặp má “Quỳnh”, cả chồng và hai người con trai của má đã hy sinh. Hồi chưa vào trại, má sống trong một ngôi chùa ở Đà Nẵng.
Má Quỳnh được đón về Trung tâm Dưỡng lão, má như người mẹ thứ hai của bà Vân Anh. Má dậy sớm quét sân, má giành việc giặt đồ, rửa bát… công việc mà các chị em trong trung tâm vẫn làm để chăm sóc các má.

"Ngoại" Vân Anh chơi đùa cùng các cháu - Ảnh: VŨ TUẤN
Ngày má về với trời, má dặn kỹ, chỉ cho má hai nhịp kèn, cho má nghe những bài ca cách mạng. Má nghe những bài ấy má sẽ gặp được chồng, con từng đi bộ đội. Bà Vân Anh rung rung đôi mắt lúc kể về má Quỳnh.
Má là người tiếp thêm cho bà động lực để bà tiếp tục đi học, phấn đấu. Từ nhân viên phục vụ, bà Vân Anh được cất nhắc làm quản lý, bổ nhiệm phó giám đốc trung tâm.
Trước dịch COVID-19 bùng phát, bà được chuyển sang làm phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Nhận nhiệm vụ vài hôm thì cả thành phố giãn cách, bà ở lại trung tâm với cán bộ, nhân viên và lũ trẻ.
Bà tâm sự, chẳng biết bọn trẻ gọi bà bằng má, bằng ngoại từ khi nào. Bà có gia đình riêng, có hai người con trai thành đạt nhưng rồi công việc cứ cuốn bà theo lũ trẻ chẳng lành lặn ở trung tâm. Mỗi lần có tin báo, mỗi lần nghe tiếng khóc ré của đứa trẻ khát sữa nào đó ngoài cổng trung tâm, bà lại sắp có thêm một người con.
Lúc mới về nhận công tác, bà cùng chị em trong trung tâm nhận một bé bị thoát vị não. Bộ não chẳng nằm trong hộp sọ mà thù lù một bọc bên ngoài. Bố mẹ đứa bé bỏ lại ở bệnh viện. Bà không dám bồng. Lúc bác sĩ hướng dẫn bồng đứa trẻ phải để một tay đỡ lấy bọc não của đứa trẻ bên cạnh. Bà bồng được, tự tin.
Nhưng cũng giây phút ấy, bà thấy tim mình đập thình thịch. Đứa trẻ yếu ớt thở khò khè, nhưng cái bàn tay bé xíu nắm chặt lấy ngón tay bà. Đôi mắt đứa bé nhắm nghiền, môi khẽ mấp máy như muốn nói với bà điều gì đó.
“Tôi cảm nhận được khát khao sống của đứa bé - bà Vân Anh nói - Tôi cảm nhận được từng nhịp tim của bé. Chúng tôi chăm sóc bé ở khoa chăm sóc đặc biệt. Đã hơn hai năm rồi, ai cũng thương bé như máu mủ của mình. Ai cũng mong bé sống và mong có một phép màu…”.
BÌNH LUẬN HAY