
Người dân mong rằng khâu hậu kiểm nên đơn giản hóa thủ tục hoàn công - Ảnh: TỰ TRUNG
Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố 112 dự án đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng (GPXD) theo quy định pháp luật hiện hành về xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra việc thực hiện và hướng dẫn UBND các phường, xã giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Các phường, xã niêm yết công khai danh mục các dự án trên địa giới hành chính mình quản lý đã đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng, các quy hoạch chỉ tiết tỉ lệ 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và phương án kiến trúc công trình) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định.
Đề xuất bỏ hoàn công?
Bỏ GPXD được xem là một bước tiến cải cách hành chính của chính quyền, giúp "cởi trói" cho người dân trong việc hình thành ngôi nhà của mình nói riêng, công trình xây dựng nói chung.
Từ ủng hộ bỏ GPXD, nhiều người cũng cho rằng nên bỏ luôn việc hoàn công công trình.
Lý do là trong quá trình công trình thi công, bằng công tác quản lý xây dựng, cơ quan chức năng kịp thời ghi nhận những thay đổi (nếu có) và do vậy hoàn công là một động thái không cần thiết.
Tôi luôn ủng hộ những thay đổi theo hướng tích cực đối với công cuộc cải cách hành chính nói chung. Trong đó có vấn đề liên quan GPXD và hoàn công vốn ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người dân.
Tuy vậy với vai trò từng công tác ở vị trí liên quan cấp GPXD và hoàn công của một sở xây dựng và hiện là đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, tôi cho rằng bỏ hoàn công là vấn đề cần thận trọng.
Hoàn công là "chốt chặn" cuối cùng
Khi đề xuất bỏ hoàn công, dường như đang có sự nhầm lẫn giữa công tác quản lý xây dựng (của cơ quan chức năng) và giám sát (của đơn vị tư vấn thiết kế, của đơn vị thi công và của chủ đầu tư - chủ nhà).
Đối với nhà ở, giám sát là việc của đơn vị tư vấn thiết kế, của đơn vị thi công và chủ nhà nhằm đảm bảo việc thi công theo thiết kế hoặc theo ý muốn của chủ nhà.
Công tác giám sát là thường xuyên, liên tục song chỉ có tác dụng chính đối với công tác thi công và các bên liên quan công trình, và kết thúc khi hoạt động xây dựng kết thúc.
Trong khi đó, với vai trò quản lý nhà nước về xây dựng, cơ quan chức năng có thể kiểm tra việc xây dựng bất cứ lúc nào, qua đó ghi nhận những thay đổi nếu có so với thông tin đăng ký xây dựng (thay cho GPXD trước kia).
Đặc biệt những thay đổi có liên quan các chỉ tiêu thuộc quy hoạch chi tiết hay thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tức cơ sở của thông tin về xây dựng đã đăng ký) như quy mô, diện tích, chiều cao tầng, lộ giới… làm cơ sở quản lý, xử phạt (nếu có và nếu đủ điều kiện xử phạt).
Tuy vậy công tác này không mang tính thường xuyên, do vậy không ghi nhận đầy đủ sai phạm nếu có.
Và quan trọng hơn, công tác kiểm tra không mang tính "tổng kết" hay "xác thực" thực trạng công trình sau xây dựng.
Không thể phủ nhận với sự "phủ kín" của nhiều công ty thiết kế và thi công chuyên nghiệp.
Việc xây dựng ngôi nhà theo đúng thiết kế được duyệt (tức đúng thông tin đăng ký về xây dựng của chủ nhà) đang dần khiến bộ mặt đô thị ngày càng chỉn chu, nền nếp, công tác xây dựng theo đó đang ngày càng "trật tự" hơn.
Thực tế cho thấy có nhiều lý do khiến việc thi công xây dựng có sự điều chỉnh, thay đổi so với thiết kế ban đầu, trong đó có cả ý muốn chủ quan của chủ nhân là "vượt rào" quy định. Những thay đổi này có thể có hoặc không có vi phạm các chỉ tiêu quy hoạch, ranh giới so với hộ lân cận.
Chưa kể, không tránh khỏi rủi ro việc đăng ký thông tin xây dựng không trung thực nhằm mục đích có được chứng nhận sở hữu công trình có giá trị hơn (đăng ký quy mô công trình lớn hơn thực tế xây dựng).
Hoàn công là chốt chặn cuối cùng trong công tác quản lý xây dựng của cơ quan chức năng, ghi nhận thực trạng công trình so với thông tin đăng ký, là cơ sở của công tác cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình sau đó.
Ngoài ra hoàn công còn được xem là động thái ghi nhận mọi hoạt động xây dựng theo thông tin đăng ký đã kết thúc, từ đó cơ quan chức năng có cơ sở nắm bắt diễn biến của hoạt động xây dựng địa phương.
Tất nhiên chủ công trình chịu mọi trách nhiệm với thông tin mình đăng ký xây dựng và thông tin về sở hữu công trình sau đó.
Nhưng nếu bỏ hoàn công, việc đăng ký cấp chứng nhận sở hữu công trình theo thông tin đã đăng ký trong bối cảnh nếu công trình xây dựng thay đổi có vi phạm các chỉ tiêu quy hoạch, thiết kế đô thị, ranh giới đất so với hộ lân cận hoặc quy mô công trình không đúng như vừa nêu.
Khi đó thông tin về công trình được cấp chứng nhận sở hữu và thực tế khác nhau sẽ dẫn đến những hệ lụy trong các hoạt động về sau liên quan công trình, trong đó đáng ngại nhất là hoạt động liên quan thế chấp, chuyển nhượng…
Từ những lẽ trên, tôi cho rằng nếu bỏ hoàn công là cơ quan chức năng "tự mua dây trói mình" với nhiều hệ lụy khó lường.
Thông báo trước 3 ngày cho UBND cấp xã trước khi xây dựng
Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM, cá nhân, tổ chức có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, có thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ theo đúng các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch tại quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và phương án kiến trúc công trình được miễn GPXD.
Chủ nhà gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, kèm hồ sơ thiết kế xây dựng và bản sao có chứng thực giấy tờ hợp pháp về đất đai đến UBND cấp xã trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 3 ngày làm việc để thực hiện quản lý.
BÌNH LUẬN HAY