
Bác sĩ trực cấp cứu - Ảnh minh họa: TTX
Hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh
Chiều 3-5, trên mạng xã hội chia sẻ video ghi lại cảnh bệnh nhi 4 tuổi ở Nam Định cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định sau khi gặp tai nạn giao thông. Thời điểm nhập viện, gia đình bệnh nhi chưa đến kịp.
Theo video ghi lại, người đàn ông đưa bệnh nhi đi cấp cứu rất bức xúc khi nhân viên y tế tại cơ sở không cấp cứu do "chưa nộp đủ tiền".
Mặc dù sau đó bệnh viện đã có báo cáo giải thích là do "có hiểu lầm" nhưng vụ việc cũng khiến nhiều người dân đặt ra câu hỏi "việc từ chối cấp cứu có vi phạm quy định" hay đối với người bệnh không có thân nhân đi cùng khi đến bệnh viện có được cấp cứu?
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ năm 2024), có 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm.
Người hành nghề chỉ được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp cụ thể như tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng; việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề; người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật,...
Bệnh nhân không có thân nhân có được cấp cứu?
Cũng theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân.
Theo đó, khi tiếp nhận, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo với UBND xã để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội.
Trường hợp người bệnh tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải quyết theo quy định.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành thủ tục chuyển người bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đến khi người bệnh tử vong.
Chính phủ quy định việc chi trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng quy định tại điều này và việc xử lý đối với người bệnh không có thân nhân là người nước ngoài.
Theo quy định trên, khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Như vậy, kể cả khi người bệnh cấp cứu không có thân nhân, cơ sở y tế đều phải tiếp nhận cấp cứu theo quy trình chuyên môn và thực hiện thủ tục hành chính liên quan mà không được phép từ chối người bệnh.
BÌNH LUẬN HAY