
Bà Mai Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (thứ hai từ phải sang) - tặng hoa chúc mừng các tác giả của bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" - Ảnh: THẾ KIỆT
Sáng 14-4, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình "Phòng tránh bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết".
Thiếu sự chia sẻ từ cha mẹ
Tại sao các vụ bạo lực học đường lại thường xảy ra với học sinh THCS? Trước khi trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Tô Nhi A, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, chuyên gia tâm lý học ứng dụng, đã mời các học sinh nói trước.

Tiến sĩ Tô Nhi A, 1 trong 5 tác giả của bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường", giao lưu với các học sinh - Ảnh: THẾ KIỆT
Và thật bất ngờ, các em đã kể ra hàng loạt nguyên nhân gây ra bạo lực học đường như nhìn theo với ánh mắt kỳ cục, học giỏi nên bị ghét rồi bị đánh, học không giỏi mà bày đặt chỉ bài cho người khác cũng bị đánh, mâu thuẫn trên mạng xã hội, bị nghỉ chơi nên đánh bạn…
TS Tô Nhi A cho biết có nhiều vụ học sinh đánh nhau vì những chuyện không liên quan đến bản thân mình. Ví dụ như bạn này nói xấu ca sĩ là thần tượng của bạn kia thế là bị đánh.
"Nhiều vụ bạo lực học đường không phải bắt nguồn từ sự việc lớn lao. Có học sinh đánh bạn vì bất cứ lý do gì. Còn một nguyên nhân gây ra bạo lực học đường nữa, đó là tuổi dậy thì.
Học sinh THCS đang ở độ tuổi dậy thì, độ tuổi này thường khó giữ sự bình tĩnh. Nhiều khi chỉ là những lý do đơn giản nhưng cũng có thể gây kích động và các bạn lao vào đánh nhau" - TS Tô Nhi A chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM tại buổi giao lưu về kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường - Ảnh: THẾ KIỆT
Đến đây, TS Tô Nhi A đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu bạn cảm thấy căng thẳng vì phải chịu những sự ấm ức trong gia đình mình?" - Hơn một nửa số học sinh có mặt tại sân trường đã giơ tay.
Khi các con ấm ức, bức xúc, không thể chia sẻ được nỗi niềm của mình với ba mẹ; không tìm được sự bình an trong gia đình thì các con sẽ mang sự bức xúc ấy đến trường. Và chỉ cần một lời nói, một hành động nhỏ của bạn khiến các con cảm thấy bực tức. Đây chính là "mồi lửa" làm bùng lên sự bức xúc dồn nén lâu nay, khiến học sinh lao vào đánh nhau.
TS Tô Nhi A đã đưa ra lời khuyên cho các học sinh: "Ba mẹ là người yêu các con nhất. Cô tin như vậy và cô khuyên các con hãy chia sẻ với ba mẹ để giải tỏa nỗi niềm của mình. Các con cần chăm sóc cơ thể, ăn ngủ đầy đủ, chơi thể thao, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa,… để có được sự bình an trong tâm hồn".
Con tôi ở nhà ngoan lắm!

Chuyên viên Đào Lê Tâm An - 1 trong 5 tác giả của bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" - giao lưu với các học sinh - Ảnh: THẾ KIỆT
"Có phụ huynh nói rằng con tôi ở nhà ngoan lắm, tài khoản Facebook của cháu cũng rất lành mạnh, chỉ toàn là học hành rồi du lịch cùng gia đình. Nhưng hiện nay nhiều học sinh có từ 2 tài khoản trở lên trên Facebook. Các em đã sử dụng tài khoản ảo để xúc phạm, mạt sát, chỉ trích người khác trên mạng xã hội" - chuyên viên Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho hay.
Tại buổi giao lưu, rất nhiều học sinh đã giơ tay xác nhận mình sử dụng cùng lúc nhiều mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,… và có từ 2 tài khoản trở lên trên một mạng xã hội.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM tại buổi giao lưu về kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường - Ảnh: THẾ KIỆT
Chuyên viên Đào Lê Tâm An phân tích: "6 hình thức bắt nạt trực tuyến hiện nay là mạo danh, theo dõi, đe dọa, phát tán và lừa đảo, phỉ báng, tẩy chay. Việc bắt nạt trực tuyến khác với bạo lực học đường truyền thống ở chỗ: mình không biết người bắt nạt mình là ai.
Đôi khi chỉ là một vấn đề bình thường trong cuộc sống, các em lao vào tranh luận với nhau. Sau đó là mạt sát, hạ bệ, chửi nhau. Cãi nhau cũng không phân biệt được thắng bại, các em hẹn gặp nhau trực tiếp bên ngoài và đánh nhau".
Chuyên viên Đào Lê Tâm An đưa ra lời khuyên đối với học sinh: "Đối với những tin nhắn xúc phạm mình, hãy ấn đè lên nó và báo cáo đó là tin nhắn quấy rối, gây thù hận.
Nếu tin nhắn cứ đến một cách dồn dập từ nhiều người khác nhau thì các em cần nói cho phụ huynh biết đồng thời tắt màn hình, không đọc nữa. Nếu các em tiếp tục đọc những tin nhắn ấy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của mình".
Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa cảm ơn cho cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - Ảnh: THẾ KIỆT
Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà báo Nguyễn Khắc Cường, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhấn mạnh:
"Hôm nay tôi rất vui khi có mặt ở đây, nơi có rất đông các em học sinh - là những độc giả thân thiết của ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ thuộc báo Tuổi Trẻ.
Như mọi người đã biết, nhà trường là nơi học sinh phát huy phẩm chất, năng lực của mình, là nơi học sinh đến trường với tâm thế thoải mái, vui vẻ, tự tin, yêu thầy mến bạn.
Tuy nhiên, rất có thể ở một góc nào đó có 1 học sinh nơm nớp với nỗi lo sợ, bất an khi trước đó nhận được tin nhắn: "Giờ ra chơi mày sẽ biết tay tao", "Ai cho mày được quen với người tao thích?",…
Có những em âm thầm chịu đựng nỗi lo sợ kéo dài một mình, không thể chia sẻ được với ai.
Thấu hiểu thực trạng đó, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam biên soạn bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường".
Việc xuất bản bộ sách cùng với việc thực hiện chương trình hôm nay ở Trường THCS Nguyễn Du là một sự nỗ lực của báo Tuổi Trẻ cùng đội ngũ chuyên gia trong việc chung tay xây dựng môi trường học an toàn - thân thiết.
Nạn nhân hay thủ phạm đều là những học sinh cần được giáo dục nhân cách, cần được yêu thương. Không chỉ là những học sinh bị bắt nạt mà cả những học sinh bắt nạt người khác cũng cần được quan tâm và tư vấn tâm lý".
Cẩm nang "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường"

Bà Mai Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam - phát biểu tại buổi giao lưu - Ảnh: THẾ KIỆT
Bạo lực học đường không còn là một hiện tượng cá biệt, mà đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng mang tính xã hội. Những con số thống kê, những vụ việc thương tâm được phản ánh trên các phương tiện truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là những tổn thương âm thầm nhưng dai dẳng mà các em học sinh - cả nạn nhân lẫn người gây ra - phải mang theo suốt quãng đời còn lại.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc trang bị cho học sinh - cũng như thầy cô giáo và phụ huynh - những kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường một cách đúng đắn, nhân văn và hiệu quả là điều vô cùng cấp thiết.
Xuất phát từ tinh thần đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ biên soạn 2 cuốn cẩm nang "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh cấp tiểu học và cấp trung học, với mục đích nâng cao nhận thức và cung cấp các giải pháp đối phó hiệu quả với bạo lực học đường.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, với các tình huống là những câu chuyện có thật được cung cấp bởi đội ngũ phóng viên của báo Tuổi Trẻ, với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục và đội ngũ tác giả nhiều kinh nghiệm.
Bộ sách không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn đưa ra những tình huống thực tế, giúp học sinh nhận diện được các hình thức bạo lực, hậu quả mà "bạo lực" gây ra. Quan trọng hơn, thông qua bộ sách này, chúng tôi mong muốn các em học sinh có thể trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ và ứng phó khi gặp các tình huống bạo lực.
Chúng tôi tin rằng bộ sách không chỉ là tài liệu học tập, mà còn là người bạn đồng hành của quý phụ huynh - giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về thế giới của con em, hiểu những thách thức mà các em có thể phải đối mặt".
(Trích phát biểu của bà Mai Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tại buổi giao lưu)
BÌNH LUẬN HAY