17/05/2025 08:34 GMT+7

Chương mới hợp tác Việt Nam - Thái Lan

Ngày 16-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã cùng công bố với báo chí việc chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thái Lan - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng tham quan sản phẩm thủ công Việt Nam vào ngày 15-5 ở Hà Nội - Ảnh: REUTERS

Khuôn khổ quan hệ mới Việt Nam - Thái Lan sẽ dựa trên ba trụ cột gồm: Đối tác vì hòa bình bền vững, Đối tác vì sự phát triển bền vững và Đối tác vì tương lai bền vững.

Nội hàm quan hệ

Trong cuộc gặp gỡ chung với báo chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ từng nội hàm của ba trụ cột. Trong đó, với Đối tác vì hòa bình bền vững, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh để giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở hai nước và trong khu vực.

Đẩy mạnh triển khai chiến lược "3 kết nối" gồm kết nối các chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước, kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế số giữa hai nước nằm trong trụ cột thứ hai. Trụ cột này nhận được nhiều quan tâm, với việc hai nước thống nhất triển khai "5 tăng cường", hướng tới 25 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương trong tương lai gần. 

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, logistics... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau.

Với người tiêu dùng Việt Nam, doanh nghiệp Thái Lan và các sản phẩm của họ không còn quá xa lạ. Trên thị trường thế giới, nhiều sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan cũng trùng lặp nhau. 

Theo giới chuyên gia, điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh, nhưng với khuôn khổ quan hệ mới, nếu biết cách tận dụng, hai nước có thể cùng tạo ra sản phẩm mạnh vượt trội, đem lại lợi ích cho cả hai. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định điều này khi cho rằng hai bên cần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, tận dụng thế mạnh của mỗi bên qua chuỗi giá trị bổ trợ để mang lại lợi ích tối đa cho cả hai nước.

Trụ cột cuối cùng, vì một tương lai bền vững của hai nước, hai bên xác định đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ, giao lưu nhân dân và văn hóa. Trụ cột này tập trung vào hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, trao đổi sinh viên, quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương và sáng kiến kết nối du lịch "6 quốc gia, 1 điểm đến".

Doanh nghiệp háo hức

Thái Lan - Ảnh 2.

Hai Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước ngày 16-5 - Ảnh: VGP

Ngay sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, trong chiều 16-5, hai Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan đã cùng dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước với chủ đề "1+1 trên 3 kết nối". 

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề sự kiện, ông Kulachet Dharachandra, giám đốc quốc gia Tập đoàn SCG (Thái Lan) tại Việt Nam, nhấn mạnh việc hai nước nâng cấp quan hệ là "một tín hiệu mạnh mẽ thể hiện sự tin tưởng và tầm nhìn chung, tập trung vào tăng trưởng khu vực, hội nhập công nghiệp và phát triển bền vững". 

Ông khẳng định SCG hoàn toàn ủng hộ chiến lược "1+1 trên 3 kết nối" gồm tăng cường liên kết chuỗi cung ứng, đẩy mạnh hợp tác địa phương và phát triển bền vững bởi đây là định hướng mà tập đoàn đang theo đuổi và nỗ lực xây dựng ở Việt Nam.

SCG dự kiến sẽ đầu tư hơn 500 triệu USD trong những năm tới tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực hóa dầu, vật liệu xây dựng và bao bì. "Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ mở rộng năng lực sản xuất mà còn góp phần định hình một nền công nghiệp xanh hơn và bền vững hơn", ông Kulachet Dharachandra chia sẻ về kế hoạch của tập đoàn.

Dẫn ra một dự án khác là Nhà máy hóa dầu Long Sơn (LSP), giám đốc quốc gia của SCG khẳng định dự án này đang được cải tạo và hiện đại hóa, không chỉ góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam mà còn góp phần tích cực vào các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Việt Nam với Mỹ.

Gần đây, LSP đã ký hợp đồng cung cấp khí ethane dài hạn trong 15 năm với sản lượng 1 triệu tấn/năm từ Mỹ, tổng giá trị hợp đồng hơn 4,5 tỉ USD, cùng với hợp đồng thuê dài hạn 5 tàu chở khí ethane rất lớn (VLEC) trong 15 năm để vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam. 

"Trước mắt, LSP cùng các nhà sản xuất trong nước đang đề xuất sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các chính sách bảo hộ nhằm giúp ngành công nghiệp hóa dầu non trẻ của Việt Nam vượt qua giai đoạn suy thoái đầy thách thức của ngành hóa dầu", ông Kulachet Dharachandra nói thêm.

Thái Lan - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp Thái Lan tại diễn đàn doanh nghiệp ngày 16-5 - Ảnh: TTXVN

Với ông Praween Wirotpan, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2025 là rất tích cực và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Các công ty Thái Lan đang ngày càng tích cực hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất và bất động sản công nghiệp, tận dụng các khu công nghiệp đang mở rộng của Việt Nam và các chính sách đầu tư thuận lợi.

Bên cạnh đó, theo ông Praween, doanh nghiệp Thái Lan còn rất quan tâm đến mảng nông nghiệp và chế biến thực phẩm nhờ hưởng lợi từ tăng trưởng nông nghiệp công nghiệp mạnh mẽ và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. 

Các lĩnh vực hợp tác khác mà Thái Lan mong muốn đẩy mạnh là mảng bán lẻ và hàng tiêu dùng, khai thác tầng lớp trung lưu đang gia tăng của Việt Nam và thị trường thương mại điện tử đang phát triển. 

"Các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng cũng đang và sẽ được doanh nghiệp Thái Lan chú trọng vì phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam", ông Praween nêu thêm.

Kiến nghị cho Việt Nam

Để hai nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan thực sự kết nối và hợp tác ngày càng thực chất như lãnh đạo đề ra, ông Praween Wirotpan kiến nghị Việt Nam cần tăng cường số hóa và đổi mới sáng tạo, đồng thời cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh, phát triển lực lượng lao động lành nghề và có năng lực kỹ thuật, thúc đẩy đầu tư bền vững và đầu tư xanh.

"Những cải thiện này sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác liền mạch và cùng có lợi hơn, củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia", ông nhấn mạnh với Tuổi Trẻ.

Chương mới hợp tác Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 2.Lễ đón Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thăm Việt Nam

Sáng 16-5, lễ đón Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra diễn ra trang trọng tại Phủ Chủ tịch với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0