
Bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - thông tin tại họp báo - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chiều 22-5, tại họp báo kinh tế - xã hội, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - đã thông tin về diễn biến COVID-19 tại TP.HCM.
Bà Nga cho biết ngày 20-5, lãnh đạo Sở Y tế đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị như HCDC, các bệnh viện, đơn vị và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm để đánh giá tình hình dịch COVID-19.
Theo đó số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM từ đầu năm đến ngày 18-5 là 79 ca, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên khoảng 2-3 tuần gần đây, TP.HCM ghi nhận số ca mắc có tăng lên.
Qua đánh giá, Sở Y tế nhận định chủng Omicron XEC không phải là biến chủng mới xuất hiện. Biến chủng này đã được phát hiện trên thế giới từ tháng 6-2024. Hiện chủng này đã có mặt khắp nơi trên thế giới, được WHO xếp vào nhóm nguy cơ thấp - biến chủng cần được theo dõi (VUM).
Trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị HCDC là đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại TP.HCM.
Đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Tăng cường các hoạt động giám sát, từ đó dự báo kịp thời và tham mưu Sở Y tế các hoạt động cần triển khai phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
HCDC tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 đã được ban hành. Đặc biệt tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao khi bị COVID-19 như người cao tuổi, bệnh mãn tính…
Sở Y tế cũng yêu cầu HCDC phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giám sát những biến chủng mới. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế củng cố hoạt động phòng, chống dịch.
Sở cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động rà soát và cập nhật lại kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19 tại đơn vị.
Bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện. Dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.
Các bệnh viện tổ chức tập huấn lại việc chẩn đoán và điều trị, cũng như các biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại bệnh viện.
Đồng thời tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, bảo vệ người bệnh nhóm nguy cơ cao. Triển khai đeo khẩu trang toàn bộ người ra vào bệnh viện và tuân thủ việc vệ sinh tay.
BÌNH LUẬN HAY