16/04/2025 08:15 GMT+7

Chuẩn bị cho xã, phường mới

Đến nay, các địa phương đã công bố xin ý kiến người dân và chuẩn bị tổ chức lại các đơn vị phường, xã. Cụ thể thế nào?

xã, phường mới - Ảnh 1.

Khu vực trung tâm TP.HCM gồm phường Bến Nghé và khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) được đề xuất là phường Sài Gòn (ảnh chụp ngày 15-4) - Ảnh: T.T.D.

Dự kiến từ ngày 1-7 sẽ bỏ toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước và tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay khi cả nước giảm 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay là 10.035 đơn vị.

Cấp xã có mấy phòng chuyên môn?

Sau khi kết thúc cấp huyện, theo đề án của Chính phủ, sẽ chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu.

Do vậy, vấn đề đặt ra cần chuẩn bị tốt nhất cho chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho cấp xã mới, đề án Chính phủ đã nêu ra nhiều giải pháp.

Đáng chú ý, dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu). Với đơn vị cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) có thể không tổ chức phòng chuyên môn.

Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị cấp xã trên địa bàn.

Trường hợp sắp xếp từ 2 đơn vị cấp xã trở lên thành 1 đơn vị cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã.

Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quy mô diện tích tự nhiên, dân số, đặc thù quản lý của từng đơn vị cấp xã để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND của từng cấp xã cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo hướng dẫn của Chính phủ (xem chi tiết trong đồ họa).

xã, phường mới - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lập trung tâm hành chính công cấp xã

Đáng chú ý, theo đề án, sẽ thành lập trung tâm phục vụ hành chính công tại UBND cấp xã. Trung tâm có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử.

Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đối với chính quyền địa phương đặc khu (hải đảo), chức năng, nhiệm vụ của các phòng và các dịch vụ công phục vụ người dân tại trung tâm phục vụ hành chính công sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đặc khu.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng dự kiến cấp xã mới sẽ tiếp nhận các nhiệm vụ và quyền hạn của cấp huyện khi kết thúc hoạt động và cấp xã hiện nay nên việc sẽ tổ chức 4 phòng chuyên môn là phù hợp để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân.

Đồng thời cấp tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

"Chính quyền cấp xã sẽ được trao nhiều thẩm quyền hơn trong quyết định các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, đầu tư, phúc lợi xã hội..." - ông Dĩnh nói và cho rằng chính quyền địa phương phải "tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm" trong triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông nêu rõ khi quy mô mở rộng, nhiệm vụ tăng thêm thì số lượng cán bộ cấp cơ sở cũng phải được bổ sung để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng khi xây dựng đề án sáp nhập cấp xã đã có yêu cầu về vấn đề tên gọi mới cũng như dự kiến nơi đặt trụ sở của cấp xã mới. Do vậy, các địa phương cần sớm công bố các thông tin này để lấy ý kiến người dân.

Đồng thời giúp người dân nắm được, sau này thuận tiện đến giải quyết các công việc và thủ tục hành chính.

xã, phường mới - Ảnh 3.

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Cấp tỉnh chuẩn bị gì cho cấp xã?

Đề án nêu rõ chính quyền địa phương cấp tỉnh (thông qua các cơ quan chuyên môn trực thuộc) có trách nhiệm hướng dẫn chính quyền địa phương cấp xã về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương như đất đai, tài chính, ngân sách, xây dựng, văn hóa, xã hội... thông qua hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ công chức của chính quyền địa phương cấp xã nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc tại địa bàn.

Dự kiến 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của chính quyền cấp xã

1Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan cấp trên ở địa bàn.

2Quyết định về tài chính, ngân sách của cấp mình trên địa bàn cấp xã (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh); được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được hỗ trợ nguồn tài chính, ngân sách từ trung ương và cấp tỉnh để bảo đảm cho các hoạt động công ích.

3Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ.

4Quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội; duy trì truyền thống văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí.

5Cung ứng các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

6Giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân trên địa bàn.

7Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được chính quyền địa phương cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền.

Với chính quyền địa phương ở phường (đô thị), ngoài việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương cấp xã nêu trên, còn thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn riêng có của chính quyền đô thị.

Đối với chính quyền địa phương ở đặc khu (hải đảo), ngoài việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương cấp xã, còn thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn riêng có của chính quyền địa phương đặc khu phù hợp với đặc thù của hải đảo.

Dự kiến cấp xã có 32 biên chế, chưa bao gồm đảng, đoàn thể

Ngày 15-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gửi các tỉnh, thành phố.

Theo đó, về số lượng chức danh lãnh đạo cấp xã, dự kiến có lãnh đạo HĐND gồm: chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm), 1 phó chủ tịch (chuyên trách). Lãnh đạo UBND gồm: chủ tịch (chuyên trách); 2 phó chủ tịch, trong đó 1 phó chủ tịch kiêm chánh văn phòng HĐND và UBND, 1 phó chủ tịch kiêm giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công.

Các ban của HĐND có trưởng ban (kiêm nhiệm), 1 phó ban (chuyên trách). Các phòng và tương đương của UBND có trưởng phòng (chuyên trách hoặc do phó chủ tịch UBND kiêm nghiệm), 1 phó (chuyên trách).

Văn bản cũng nêu rõ dự kiến 32 biên chế của chính quyền địa phương cấp xã được bố trí gồm: HĐND cấp xã 3 biên chế - gồm 1 phó chủ tịch HĐND, 2 phó ban của HĐND (chủ tịch HĐND và trưởng ban của HĐND là chức danh kiêm nhiệm).

UBND cấp xã có 3 biên chế gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch UBND (kiêm chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, giúp việc của UBND). Bốn phòng và tương đương, có 6 biên chế (trưởng phòng, 1 phó phòng); mỗi phòng có 5 biên chế.

Chính phủ sẽ căn cứ quy mô dân số, diện tích của các đơn vị cấp xã sau sắp xếp và trên cơ sở đề xuất của địa phương để xây dựng tiêu chí bố trí biên chế cán bộ, công chức xã theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

xã, phường mới - Ảnh 4.

Người dân quét mã QR làm thủ tục hành chính trực tuyến tại UBND phường 10, quận 11, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân quan tâm trụ sở phường mới đặt ở đâu

TS Nguyễn Trần Như Khuê (Học viện Cán bộ TP.HCM) chia sẻ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc lựa chọn, bố trí trụ sở phường mới phải đặt tại vị trí có giao thông thuận tiện, hạ tầng sẵn có và trụ sở nên có quy mô phù hợp với dân số, có đầy đủ các bộ phận, phòng tiếp công dân, phòng làm việc theo quy định...

Chính vì vậy, phương án sáp nhập cần công bố vị trí đặt các trụ sở hành chính đảm bảo tiện ích và phục vụ tốt nhất cho người dân... Việc này cũng có thể lấy ý kiến người dân.

Ngoài việc bố trí trụ sở, cần bố trí thêm các văn phòng giao dịch hành chính phường, xã ở các vị trí hợp lý để thuận lợi hơn cho việc giao dịch hành chính của người dân trong bối cảnh quy mô diện tích, dân số mới của một đơn vị cấp cơ sở.

Việc này còn nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho người dân ở xa trụ sở chính, giảm tải công việc cho trụ sở chính đối với khu vực có quy mô lớn, dân số đông và tăng hiệu quả phục vụ người dân.

Đồng tình, TS Vũ Trung Kiên, phó trưởng khoa xây dựng Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2, cho rằng tới đây xã sẽ có diện tích lớn, nhiều chức năng nhiệm vụ hơn.

Thế nhưng giả sử một đơn vị cấp huyện sau sắp xếp có khoảng 3, 4 xã thì chỉ có 1 đơn vị cấp xã tiếp nhận trụ sở của cấp huyện hiện có, còn các xã khác vẫn phải sử dụng các trụ sở cấp xã cũ hoặc của một đơn vị cấp huyện nào đó.

Nhiều xã sáp nhập thành một xã và trụ sở chỉ có thể chọn ở một địa điểm nhất định thuộc một xã nào đó, vì vậy có thể những người dân ở các xã sáp nhập nhưng không đặt trụ sở đi lại sẽ xa hơn.

Cho dù hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta ngày càng kết nối hiện đại và đồng bộ, việc đi lại sẽ càng ngày càng thuận tiện hơn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong giải quyết thủ tục hành chính được áp dụng nhiều hơn, song trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, chắc chắn sau khi bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã sẽ có một giai đoạn đầu người dân và cả đội ngũ cán bộ cấp xã sẽ có những bỡ ngỡ. Như vậy rõ ràng ngoài việc lựa chọn vị trí đặt trụ sở cấp xã mới thuận tiện cho người dân cũng cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính phủ số, giải quyết các thủ tục của người dân trên môi trường mạng...

Chuẩn bị cho xã, phường mới - Ảnh 5.TP.HCM đưa phương án sáp nhập còn 78 phường và 24 xã

Tối 15-4, Thành ủy TP.HCM có thông cáo báo chí liên quan phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0