
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 22-4, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Lương Cường cùng tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM Phan Văn Xựng tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đây là hai địa phương có truyền thống cách mạng anh hùng, nhân dân có nhiều đóng góp cho hòa bình, độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường đã thông tin khái quát về tình hình phát triển và đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nước ta hiện nay. Theo Chủ tịch nước, mặc dù Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế - xã hội đang phát triển và tiếp tục đạt những kết quả quan trọng.
Quý 1-2025, GRDP cả nước tăng 6,9%, mức tăng trưởng cao nhất của quý 1 trong 6 năm qua, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI, xuất nhập khẩu đang tăng trưởng tích cực.
An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân giữ ổn định và cải thiện, quyết tâm đến ngày 31-10 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng nước ta đang có những bước đột phá mạnh mẽ về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng với quan điểm, tư duy, cách làm mới.
"Xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm. Bây giờ chỗ nào vướng thì tháo gỡ, vướng luật thì sửa luật, kể cả Hiến pháp, tất nhiên phải chặt chẽ và theo quy trình, xin ý kiến của người dân", Chủ tịch nước nói.
Nhiệm vụ sắp tới rất nhiều, yêu cầu rất cao, thời gian rất gấp

Chủ tịch nước Lương Cường trả lời kiến nghị cử tri - Ảnh: HỮU HẠNH
Vừa qua, cả nước cũng đã khởi công và khánh thành hàng loạt công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc đến năm 2025 và đến năm 2030 là 5.000km. Tập trung nguồn lực phát triển điện hạt nhân để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ.
Để làm được những việc này, Chủ tịch nước cho rằng cần huy động đầu tư, khơi thông các nguồn lực xã hội. Như vậy phải có các chính sách phù hợp, tháo gỡ thể chế đang là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.
"Nếu luật không sửa đổi, không bổ sung thì không dám làm. Chúng ta khuyến khích dám nghĩ dám làm nhưng cũng có những việc chưa có quy định, có chủ trương nhưng không cụ thể thì phải làm như thế nào, phải tháo gỡ được việc này", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng an ninh quốc phòng được củng cố, tăng cường. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.
Đối ngoại nước ta vẫn kiên định đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa. Việt Nam là bạn, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Chủ tịch nước, những kết quả đạt được có đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Thời gian tới, Chủ tịch nước dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức không thể xem thường. Nhiệm vụ sắp tới rất nhiều, yêu cầu rất cao, thời gian rất gấp trong bối cảnh cả nước sắp xếp lại bộ máy, tổ chức đại hội Đảng các cấp.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ có khối lượng công việc rất lớn. Liên quan đến tổ chức bộ máy phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên tinh thần phải lấy ý kiến người dân. Bên cạnh đó phải điều chỉnh khoảng 19.230 văn bản có liên quan đến sắp xếp bộ máy từ Quốc hội, Trung ương, địa phương.
Chủ tịch nước đồng tình ý kiến của cử tri là phải giữ lại được những cán bộ tốt cho bộ máy mới. Với những nhân sự dôi dư phải có các chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
TP.HCM nắm chắc thời cơ, đánh giá đúng tình hình
Về phía TP.HCM, Chủ tịch nước cho rằng HĐND TP.HCM đã họp và tán thành phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn tại TP.HCM còn 102 phường, xã. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM sẽ có 168 phường, xã.
Với số lượng phường, xã này đặt ra thách thức lớn cho TP.HCM về phương thức quản lý trên tinh thần phường, xã mới phải mạnh, tốt hơn, gần dân hơn, sát dân hơn.
Về phía TP.HCM, Chủ tịch nước Lương Cường mong muốn với vị thế, vai trò và kinh nghiệm, TP.HCM tiếp tục nắm chắc thời cơ, đánh giá đúng tình hình và có giải pháp phù hợp để phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện các quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước.
"Những quyết sách này đều mang tính cách mạng và lịch sử. Nếu TP.HCM làm tốt thì góp phần rất quan trọng để cả nước làm tốt", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
BÌNH LUẬN HAY