
Cán bộ BHXH khu vực Ba Đình (Hà Nội) tư vấn quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc - Ảnh: HÀ QUÂN
Chị Trần Thị Hường - kinh doanh phở tại Phan Kế Bính, Hà Nội - cho biết đã đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được một năm, từ 1-7-2025 chuyển sang nhóm đóng BHXH bắt buộc từ tư vấn của cán bộ BHXH Ba Đình (Hà Nội).
Mong được hỗ trợ mức đóng
Trước đó chị Hường ngại vì thu nhập không ổn định, ngại thủ tục hành chính… "Tôi được cán bộ tư vấn nhiệt tình về quyền lợi nên tham gia BHXH cho cả hai vợ chồng. Các quyền lợi như thai sản, bảo hiểm y tế (giảm từ 80%) khi ốm đau, bệnh tật… Tham gia BHXH để bảo vệ sức khỏe, có lương hưu khi về già.
Tuy vậy tôi là một chủ hộ kinh doanh và đang đóng trên mức thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng nên mong muốn Nhà nước xem xét hỗ trợ vì cửa hàng có nhiều chi phí như mặt bằng, nhân công, nguyên liệu hằng ngày", chị Hường đề xuất.
Tại một quán bánh xèo ở phố Đội Cấn (Hà Nội), nhóm cán bộ của BHXH Ba Đình tư vấn mức đóng, quyền lợi cho đôi bạn trẻ Mai Thị Thu Hoài (20 tuổi) - Vũ Xuân Mạnh (21 tuổi). Hoài chia sẻ do chưa tham gia BHXH bao giờ, mới kinh doanh nên phải mất khoảng 20 phút để hiểu chế độ như thai sản.
Sau đó cô quyết định đóng BHXH dựa trên thu nhập 10 triệu đồng/tháng. "Khi kinh doanh tôi phải chi trả nhiều khoản phí như nhân công, nhập hàng hay chính sách thuế mới nên mong Nhà nước hỗ trợ chi phí đóng để tham gia lâu dài", Hoài bày tỏ.
Lần đầu tiên tham gia BHXH, anh Lê Lợi, thợ cắt tóc tại phường Ba Đình, cho biết với mức đóng dựa trên thu nhập 10 triệu đồng/tháng, anh hy vọng có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí lên tới 95% khi về hưu. Trước mắt anh được nhiều quyền lợi ốm đau, bảo hiểm y tế… để yên tâm làm việc.
Tuy nhiên anh Lợi chia sẻ làm nghề cắt tóc nên thu nhập không ổn định, thêm chi phí về mặt bằng, thuê nhân viên, điện nước… và phải lo cho gia đình nên mong Nhà nước hỗ trợ phần nào đó chi phí BHXH để yên tâm tham gia lâu dài, đảm bảo quyền lợi sau này.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Mức đóng dựa trên cơ sở nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hiếu Cường - phó giám đốc BHXH Ba Đình (Hà Nội) - cho biết điểm mới của Luật BHXH 2024 là chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.
Về mức đóng, chủ hộ sẽ tham gia 25% trên thu nhập hằng tháng do bản thân lựa chọn, trong đó mức thu nhập tối thiểu bằng mức tham chiếu (tức lương cơ sở hiện hành 2,34 triệu đồng/tháng).
Như vậy mức đóng thấp nhất khoảng 585.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó còn có tỉ lệ tham gia BHYT là 4,5%. Tổng tỉ lệ tham gia là 29,5%, tức mức đóng tổng thấp nhất khoảng 690.300 đồng/tháng.
Do đây là nghĩa vụ bắt buộc, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với cơ quan thuế để rà soát danh sách chủ hộ kinh doanh, vận động tham gia đúng quy định. "Khi tham gia BHXH bắt buộc, chủ hộ kinh doanh sẽ hưởng đầy đủ các chế độ gồm lương hưu, ốm đau, thai sản, tử tuất và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định", ông Cường giải thích.
Bà Nguyễn Thùy Linh - cán bộ BHXH Ba Đình (Hà Nội) - cho biết thêm, việc xác định chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc căn cứ vào phương thức kê khai thuế.
Ví dụ, cơ quan BHXH sẽ kiểm tra mẫu kê khai thuế của chủ hộ kinh doanh, tức mẫu 01/CNKD hoặc phần mềm eTax (thuế điện tử), để xác định trường hợp nộp thuế theo phương thức kê khai hay khoán.
"Nếu là phương pháp kê khai, chủ hộ kinh doanh sẽ thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, còn nếu là phương pháp khoán thì sẽ vận động đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH tự nguyện", bà Linh nói.
Ngoài ra, trường hợp chủ hộ kinh doanh đang tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình khi chuyển sang BHXH cho chủ hộ kinh doanh mà có các tháng trùng nhau sẽ được hoàn trả lại tiền. Có thể liên hệ các đại lý thu nơi tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình trước đó để nhận lại phần đã đóng.
Không đóng bị phạt ra sao?
Phạt từ 18-20% tổng số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng tại thời điểm bị lập biên bản nhưng không vượt quá 75 triệu đồng, nếu:
* Không đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện bắt buộc.
* Vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt từ 50-75 triệu đồng nếu chủ hộ có hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự.
Ngoài tiền phạt, chủ hộ kinh doanh vi phạm còn phải:
* Nộp đủ số tiền bảo hiểm còn thiếu cho cơ quan BHXH.
* Nộp tiền lãi phạt áp dụng cho phần chậm hoặc trốn đóng (mức tiền lãi phạt bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế).
Nếu không tự nguyện thực hiện, ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước có thể trích trực tiếp từ tài khoản của chủ hộ để thu hồi số tiền nợ, cộng với lãi suất không kỳ hạn cao nhất tại thời điểm xử phạt (trường hợp vi phạm từ 30 ngày trở lên).
BÌNH LUẬN HAY