
Người dân đến làm các thủ tục tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh minh họa: TRƯỜNG TRUNG
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2025, đã đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Nguồn phát sinh chi trả chế độ sắp xếp bộ máy lên tới gần 60.000 tỉ đồng
Cụ thể, Chính phủ nêu rõ theo nhu cầu kinh phí dự kiến phát sinh thực hiện chi trả chế độ, chính sách khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, trong năm 2025 cần khoảng 59.000 tỉ đồng. Bao gồm nguồn ngân sách địa phương là khoảng 15.000 tỉ đồng; ngân sách trung ương là 44.000 tỉ đồng.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỉ đồng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đồng thời bổ sung 28.290 tỉ đồng dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương, bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách.
Như vậy Chính phủ sẽ thực hiện khoản kinh phí 44.000 tỉ đồng phục vụ cho việc triển khai chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Trường hợp sử dụng hết nguồn 44.000 tỉ đồng, Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn tích lũy chi cải cách tiền lương năm 2024 còn dư để bổ sung, thực hiện và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra hiện nay nhu cầu kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách miễn học phí khoảng 10.000 tỉ đồng cho năm 2025. Cùng đó là phát sinh nhu cầu kinh phí thực hiện di dời trụ sở mới, sửa chữa trụ sở, hệ thống hạ tầng thông tin.
Do đó với ngân sách bố trí tại các lĩnh vực chưa phân bổ đầu năm còn lại khoảng 6.623 tỉ đồng, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện nhiệm vụ chi đúng mục đích, đối tượng
Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho hay đa số các ý kiến nhất trí việc bố trí 44.000 tỉ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định.
Tuy nhiên lưu ý, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách trung ương trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44.000 tỉ đồng, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này, hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Đối với việc chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí phương án Chính phủ trình.
Tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhiều áp lực không nhỏ lên điều hành vĩ mô
Thẩm tra các nội dung về kinh tế - xã hội, ông Phan Văn Mãi cho rằng trong năm 2024 và đầu năm 2025, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn gặp một số khó khăn, thách thức, gây áp lực không nhỏ lên công tác điều hành vĩ mô, song Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều giải pháp.
Kết quả năm 2024 đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8 - 7%); năng suất lao động tăng 5,88%, xuất siêu đạt 24,77 tỉ USD; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD.
Tuy vậy những tồn tại hạn chế được chỉ ra như tăng trưởng kinh tế quý 1-2025 không đạt kịch bản đề ra, gây áp lực không nhỏ lên công tác điều hành vĩ mô để đạt mục tiêu 8% trở lên, tiềm ẩn rủi ro kiểm soát lạm phát.
Tăng trưởng tiêu dùng trong nước còn yếu, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa tạo được bước đột phá đáng kể về quy mô và năng lực cạnh tranh.
BÌNH LUẬN HAY