
Tổng thống Ukraine Zelensky xuất hiện cùng các nhà lãnh đạo châu Âu tại khuôn viên Cung điện Mariynsky ở Kiev vào hôm 10-5 - Ảnh: AFP
Không còn chờ đợi sự ủng hộ từ Washington, Anh và EU đã phối hợp công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga hôm 20-5.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin - cuộc đàm thoại không mang lại lệnh ngừng bắn tại Ukraine và cũng không có thêm biện pháp trừng phạt nào từ phía Mỹ như trước đây ông Trump đã đề cập.
Khi hai bờ Đại Tây Dương ngày càng tách biệt về chiến lược, liệu nỗ lực đơn phương từ châu Âu có đủ sức buộc Điện Kremlin phải thỏa hiệp?
Hai bờ chia rẽ
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Anh và EU chủ yếu nhằm vào "hạm đội bóng tối" - thuật ngữ ám chỉ đội tàu vận chuyển Nga sử dụng để xuất khẩu dầu, né tránh giới hạn giá 60 USD mỗi thùng do nhóm G7 áp đặt nhằm giảm nguồn thu của Matxcơva.
EU không dừng lại ở đó, các quan chức đang tiếp tục thảo luận về gói trừng phạt thứ 18 - có thể nhắm tới các đường ống dẫn khí, ngân hàng và siết chặt hơn nữa doanh số xuất khẩu năng lượng toàn cầu của Nga.
Trong khi châu Âu tăng cường áp lực, Washington lại cho thấy tín hiệu "đổi chiều". Tổng thống Trump không chỉ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới mà còn từ chối thực hiện các đe dọa trước đó.
Dù từng viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 8-5 rằng "Nếu lệnh ngừng bắn không được tôn trọng, Mỹ và các đối tác sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt", nhưng sau cuộc gọi với ông Putin ngày 19-5, những cam kết này dường như đã tan biến.
Theo một quan chức Nhà Trắng chia sẻ với báo New York Times, ông Trump không muốn áp đặt thêm trừng phạt lên Nga vì lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến "cơ hội làm ăn" và mục tiêu "tối đa hóa lợi ích kinh tế cho người Mỹ".
Sự tách biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng hiện rõ khi một quan chức cấp cao của EU nhận xét những lời đe dọa của ông Trump chỉ mang tính "trình diễn" - Mỹ thực chất đã không còn tham gia vào việc thiết kế bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào đối với Nga.
"Canh bạc" của châu Âu
Về mặt chiến lược, châu Âu đang cố gắng chuyển từ vai trò phụ thuộc sang một lực lượng tự chủ trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Tuy nhiên, sức ép đơn phương luôn là một canh bạc rủi ro với "lục địa già". Không có sự phối hợp với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, các biện pháp trừng phạt của EU và Anh có thể thiếu sức nặng cần thiết để thay đổi tính toán của Điện Kremlin.
Bất chấp Mỹ giảm áp lực và châu Âu tăng cường trừng phạt, Nga vẫn duy trì lập trường cứng rắn. Hôm 16-5, Tổng thống Putin chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến Istanbul đàm phán "một cách miễn cưỡng".
Đáp lại việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Ukraine sẽ không gia nhập NATO và từ bỏ mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ bị chiếm - hai trong số những yêu sách chính của ông Putin, Nga vẫn không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.
Theo bà Bridget Brink - cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, người vừa từ chức "để phản đối với chính sách của chính quyền Trump", điều đáng lo là Mỹ đang "gây áp lực lên nạn nhân Ukraine thay vì Nga". Bà cảnh báo: "Một nền hòa bình bằng mọi giá sẽ không phải là hòa bình thực sự - đó là sự nhượng bộ".
Ngược lại châu Âu vẫn chọn đối đầu trực diện với Matxcơva. Họ cho rằng nếu Nga thành công trong chiến dịch quân sự tại Ukraine mà không bị trừng phạt mạnh mẽ, điều đó sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho an ninh lục địa.
Nhưng khi không còn sự hỗ trợ từ đầu tàu NATO, liệu nỗ lực đơn phương của châu Âu có đủ sức buộc Nga thỏa hiệp hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Một thách thức lớn khác là tính thống nhất nội khối. Không phải mọi quốc gia EU đều sẵn sàng đi xa như Anh hay Pháp trong việc gây sức ép lên Nga. Việc xây dựng và duy trì sự đồng thuận cho mỗi gói trừng phạt vốn đã phức tạp nay càng khó khăn hơn khi thiếu vai trò điều phối của Washington.
Hiệu quả trừng phạt chưa rõ ràng
Mặc dù chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn không suy thoái tới mức như bên trừng phạt kỳ vọng.
Sau giai đoạn suy giảm năm 2022, kinh tế Nga đã phục hồi nhờ chi tiêu quốc phòng và mở rộng thương mại với các đối tác như Trung Quốc.
"Hạm đội bóng tối" giúp Nga lách lệnh trừng phạt, chiếm tới 70% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn tạo áp lực lớn khi doanh thu năng lượng giảm mạnh, lạm phát tăng cao buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng lãi suất để kiểm soát giá cả.
BÌNH LUẬN HAY