Chấn chỉnh ngay những chuyến đi 'học tập kinh nghiệm' không đúng lúc

Những chuyến đi học tập kinh nghiệm theo kế hoạch - mà thực chất là du lịch công bằng ngân sách - không thể chấp nhận được cả về phương diện đạo lý lẫn nguyên tắc quản trị công.

học tập kinh nghiệm - Ảnh 1.

Nhiều cán bộ cấp huyện U Minh đi học tập kinh nghiệm ở Côn Đảo dù cấp huyện sắp bị bỏ - Ảnh: Mạng xã hội

Một số địa phương tổ chức cho cán bộ, viên chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác trong khi cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Những trường hợp cụ thể như huyện U Minh (Cà Mau) tổ chức đoàn đi Côn Đảo, hay Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị định đưa đoàn cán bộ sắp nghỉ hưu đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Nam là những ví dụ điển hình đang khiến dư luận bức xúc.

Đi học tập kinh nghiệm khi sắp nghỉ hưu ứng dụng vào việc gì?

Lãnh đạo các địa phương này cho rằng đây là hoạt động thường xuyên, nằm trong kế hoạch công tác đã được phê duyệt từ trước. 

Tuy nhiên tại sao trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực tối đa để sắp xếp bộ máy; tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, những chuyến đi với danh nghĩa học tập kinh nghiệm lại diễn ra  không đúng thời điểm như vậy?

Dư luận có cơ sở để nghi ngờ tính thiết thực của những chuyến đi không đúng lúc, hay nói cách khác là hình thức du lịch công này.

Nhiều cán bộ trong đoàn là người chuẩn bị nghỉ hưu, không còn nhiều khả năng hoặc cơ hội để vận dụng những gì được học vào công việc. 

Vậy thì mục đích học hỏi kinh nghiệm còn có giá trị gì? 

Còn nếu đây chỉ là chuyến đi để tri ân, "tạo cơ hội" cho cấp dưới trước khi sáp nhập, nghỉ hưu lại càng đáng lên án. Vì đó là sự lợi dụng ngân sách công, làm trái với tinh thần đổi mới, liêm chính và vì dân.

Những cái cớ như "đã lên kế hoạch từ trước", "hoạt động thường xuyên", hay "sẽ rút kinh nghiệm" không thể nào khỏa lấp được sự thiếu trách nhiệm trong công tác điều hành. 

Thực tế nếu thực sự vì mục tiêu học hỏi kinh nghiệm, các địa phương hoàn toàn có thể tổ chức hình thức trực tuyến, hội thảo chuyên đề, chia sẻ tài liệu... sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều.

Một trong những lý do khiến dư luận bức xúc là các chuyến đi này diễn ra trong thời điểm mọi cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động cán bộ, giải quyết các chính sách liên quan sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện.

Việc tranh thủ "chạy nước rút" để tổ chức các chuyến đi như vậy dễ bị hiểu là biến cơ hội cuối cùng thành những chuyến đi mang tính chất ưu đãi cho cán bộ trước khi rời vị trí. 

Điều này có thể tạo ra tâm lý so bì, mất niềm tin trong đội ngũ và người dân, đi ngược lại với tinh thần công vụ, sự gương mẫu cần thiết của người đứng đầu.

Dừng ngay các chuyến đi không thật sự cần thiết

Cần khẳng định để xảy ra các chuyến đi không phù hợp như vậy trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang khẩn trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từng cán bộ lãnh đạo phải thực sự là tấm gương đi đầu trong tiết kiệm, kỷ luật và tinh thần phục vụ nhân dân.

Việc đưa cán bộ đi học tập kinh nghiệm là chủ trương đúng, nhưng phải đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đặc biệt là phải có kế hoạch giám sát, đánh giá hiệu quả sau học tập. 

Hiện nay những đơn vị còn tổ chức học tập kinh nghiệm kiểu "du lịch trá hình" không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan đó.

Đối với hoạt động công vụ và quy chế chi tiêu công không thể chấp nhận tư duy "có tiền là đi, có kế hoạch là thực hiện", bất chấp bối cảnh, bất chấp mục tiêu tổng thể và bất chấp tình hình thực tiễn. 

Các đơn vị cần nghiêm túc rà soát các kế hoạch công tác, dừng ngay các chuyến đi không thật sự cần thiết. 

Toàn bộ nguồn lực cần được dồn vào việc tuyên truyền, động viên, hỗ trợ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Ngoài ra cần công khai, minh bạch các hoạt động công tác, học tập kinh nghiệm. Ai đi, đi đâu, đi với mục đích gì, kết quả ra sao phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. 

Dư luận sẽ giám sát, nhân dân sẽ đánh giá, và đó chính là một phần của trách nhiệm giải trình trong quản lý công.

Với những trường hợp vi phạm, cần có hình thức xử lý thích đáng để làm gương, bảo vệ kỷ cương, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Những chuyến đi học tập kinh nghiệm theo kế hoạch mà thực chất là du lịch công bằng ngân sách nhà nước là hành vi không thể chấp nhận, cả về phương diện đạo lý lẫn nguyên tắc quản trị công. 

Chấm dứt các hành vi du lịch công không phù hợp không chỉ là việc làm cần thiết để tiết kiệm ngân sách, mà còn là thước đo thực chất của năng lực điều hành. 

Mỗi cán bộ, đặc biệt người đứng đầu, cần thấm nhuần rằng trong giai đoạn đổi mới và chấn chỉnh hiện nay, một hành vi sai lầm dù nhỏ cũng có thể làm tổn hại đến cả quá trình xây dựng thể chế minh bạch, liêm chính và phục vụ. 

Những chuyến đi học tập kinh nghiệm không đúng lúc - Ảnh 3.Cán bộ sắp về hưu đi học tập kinh nghiệm, đừng dùng khái niệm 'lập lờ'

HĐND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vừa tổ chức 2 đoàn đi học tập kinh nghiệm ở Côn Đảo dù đã có chủ trương sắp xếp bỏ cấp huyện. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị cũng vừa thu hồi kế hoạch tổ chức đoàn cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi học tập kinh nghiệm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0