
Trần Nghĩa vai Nguyên - chàng trai có đôi mắt buồn thăm thẳm trong Cha tôi, người ở lại .- Ảnh: ĐPCC
Diễn viên Trần Nghĩa nói mình yêu thương Nguyên - nhân vật anh hóa thân trong Cha tôi, người ở lại. "Sự trầm lặng của Nguyên không đơn thuần là im lặng. Đó là sự chất chứa, âm ỉ, lặng lẽ. Chính cái lặng ấy là thứ khiến người ta day dứt", Nghĩa phân tích.
Nỗi buồn không khóc trong Cha tôi, người ở lại
Nguyên từ nhỏ đã khổ. Em gái mất, mẹ bỏ đi. Năm 18 tuổi, Nguyên đi Đài Loan. Anh vừa chăm mẹ (mẹ lấy chồng mới sống tại Đài Loan rồi bị tai nạn giao thông) vừa học đại học.
Trong tập 23 (phát sóng 20h10 ngày 8-4 trên kênh VTV3), mọi người phát hiện Nguyên bị trầm cảm. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình dài chịu đựng.
Trailer phim Cha tôi, người ở lại
Trần Nghĩa chia sẻ: "Để diễn tả tâm trạng rối bời của Nguyên, tôi tập trung vào ánh mắt, hơi thở. Giọng nói được giữ ở cổ họng nhiều hơn, trầm lắng. Tôi muốn khán giả cảm thấy sự bất lực của Nguyên khi đối diện với điều không thể níu kéo, cũng không thể thay đổi.
Quá khứ đã từng lựa chọn. Theo tôi, nỗi buồn không cần quá nhiều khóc lóc. Chỉ cần chân thật. Và khi nó chạm được vào trái tim người xem thì sự trầm lắng ấy có giá trị".

Đôi mắt buồn của Nguyên (Trần Nghĩa) trong Cha tôi, người ở lại. - Ảnh: ĐPCC
Nguyên trong Cha tôi, người ở lại là nhân vật bị so sánh nhiều nhất với phiên bản gốc Lấy danh nghĩa người nhà. Hỏi Trần Nghĩa có thấy chạnh lòng không? Anh cho rằng:
"Mỗi khán giả đều có cảm nhận, kỳ vọng và ký ức riêng với tác phẩm gốc. Tôi không né tránh những so sánh và coi đó để nhìn lại mình.
Tôi nỗ lực hết sức để làm Nguyên của riêng mình, trong một không gian khác, văn hóa Việt Nam và kịch bản đã sửa đổi".
Tình yêu không nhất thiết phải đến đích
Trần Nghĩa sinh năm 1993 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tham gia một số phim truyền hình như Lặng yên dưới vực sâu, Cuộc đời của Yến, Chiều ngang qua phố cũ.

Trần Nghĩa (vai Nguyên) và Ngọc Huyền (An) trong phim Cha tôi, người ở lại. - Ảnh: ĐPCC
Khán giả nhớ đến Trần Nghĩa nhiều nhất với vai diễn thầy giáo Ngạn trong phim điện ảnh Mắt biếc của Victor Vũ, tiếp đó là các phim truyền hình Nhà trọ Balanha, Chúng ta của 8 năm sau.
Trần Nghĩa nói điểm giao nhau giữa anh và Nguyên chính là sự lặng lẽ.
Nhưng sự lặng lẽ của anh không phải là thu mình mà là cách quan sát, lắng nghe và cảm nhận cuộc sống.
Ngoài đời tôi chọn cách giữ cho mình một khoảng lặng, không phải tách khỏi thế giới mà nuôi dưỡng nội tâm. Khi bước vào một vai diễn, tôi có thể cho đi mà không cạn kiệt".
Nói về mối quan hệ giữa Nguyên và An - điều mà khán giả quan tâm nhất lúc này, Trần Nghĩa "bật mí" chút xíu: "Đôi khi tình yêu không nhất thiết phải đi đến đích như người ta vẫn mong. Có những tình yêu đẹp nhất khi nó còn dang dở, khi nó khiến ta nhớ, khiến ta tiếc và khiến ta lớn lên".
BÌNH LUẬN HAY