
Di sản người cha để lại đôi khi vượt qua mọi thứ chính là cách sống đủ để làm gương cho con cái - Ảnh do AI tạo
Hồng Tỷ không chỉ "diễn vai" phụ nữ mà diễn đúng tâm lý nam giới cô đơn! Bởi anh ta 38 tuổi, đã từng có gia đình và con đi học nước ngoài. Câu chuyện ấy là biểu hiện không chỉ của một cá nhân sống sai lệch, mà còn là triệu chứng của một xã hội đang loay hoay trong sự lẫn lộn giữa chân thực và giả tạo.
Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) khi mọi thứ đều có thể được tái tạo, giả lập, chúng ta buộc phải đối mặt với một loại trí tuệ mới - trí tuệ ngụy tạo, nơi người ta dùng sự hiểu biết về cảm xúc, truyền thông, nhận thức xã hội không để kết nối mà để thao túng.
Nhưng vai trò của người cha thường được dẫn dắt bằng sự chính trực. Khi vai trò ấy bị lung lay, chúng ta thấy một kiểu trượt dài. Ấy là khi không tìm được vị trí trong đời thực, người ta lại chuyển sang "sống" trong thế giới ảo, nơi không ai cần biết quá khứ, danh tính thật hay trách nhiệm thật.
Dù ẩn sau bất cứ mục đích gì, di sản một người cha vẫn để lại dấu vết mà ở đây là vết nứt mà thế hệ sau phải vá lại. Trên mạng xã hội, có những người trẻ trầm trồ kỹ năng truyền thông của Hồng Tỷ, rằng anh ta hiểu người dùng mạng xã hội, định vị hình ảnh cá nhân như một thương hiệu và điều khiển cảm xúc như một chuyên gia tâm lý.
Nhưng nếu hiểu người khác để lợi dụng họ, đó là trí tuệ bị lạm dụng. Không chỉ lừa cả ngàn người đàn ông, điều Hồng Tỷ làm nguy hiểm hơn chính là khiến sự giả tạo trở nên hấp dẫn như một giải pháp cho cô đơn. Mà người trẻ trong thời đại AI dường như đang lạc lối và lạc với chính mình.
AI dường như làm được bất cứ thứ gì ta muốn, không loại trừ làm giả. Chân thật có vẻ đang thất thế mà nếu không cẩn thận, có khi chính ta đang tiếp tay cho sự giả mạo lên ngôi miễn nó ngọt ngào, dịu dàng!
Tôi vô tình lướt mạng, đọc được câu chuyện từ nick Đặc Sản Năm Căn 69 viết rằng: "Ông ngoại mình hiến nửa căn nhà để nới rộng con hẻm nhỏ cho cô bác trong hẻm vì nhà ông ngoại ở đầu hẻm. Làm xong người dân lấy tên ông ngoại đặt cho hẻm, giờ ông ngoại mất rồi người ta vẫn kêu như vậy. Mình rất vui". Có thể chỉ vài lượt tương tác nhưng con hẻm mang tên ông ngoại là thật, sẽ là thứ sống lâu hơn mọi bài viết.
Đã từng có nhiều nhà tâm lý, giáo dục nổi tiếng với các câu nói có chung một ý rằng: "Con người phát triển tốt nhất khi được nuôi dưỡng trong môi trường nơi các giá trị được giữ vững và được làm gương". Di sản của một người cha, một thế hệ hay rộng ra của một xã hội không nằm trong tài khoản ngân hàng, mà ở cách sống cùng những dấu ấn để lại từ chính việc chọn lựa cách sống ấy.
BÌNH LUẬN HAY