
Đặc biệt trong thời đại 4.0, cha mẹ cũng cần bắt kịp nhịp sống mới để dễ dàng giao tiếp cùng con - Ảnh minh họa: CHUNG THANH HUY
Ái Vy (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết khá lâu rồi cô chưa cùng ngồi ăn bữa cơm chung với gia đình.
Khi bữa ăn thành giờ dạy dỗ
Người xưa thường nói "trời đánh tránh bữa ăn" vậy mà theo lời Vy, ba mẹ cô có thói quen thích dạy dỗ con cái khi đang dùng bữa.
Vì thế dù cơm ngon, canh ngọt cỡ nào cũng trở nên khó nuốt với chị em Vy bởi những bài giáo huấn dài và dai, từ những chuyện nhỏ nhặt như tóc tai, ăn mặc, giờ giấc sinh hoạt, cho đến những vấn đề vĩ mô như hoài bão tuổi trẻ, trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
"Nghe những điều đó cũng có ích, nhưng có bao nhiêu đó người lớn cứ nói tới nói lui hoài thử hỏi ai mà không chán. Mỗi thời mỗi khác, sao cứ lấy chuyện hồi xửa hồi xưa ra làm mẫu mực rồi bắt người trẻ thời nay phải làm theo y như vậy", Vy phân trần.
Quốc Tuấn (25 tuổi, kỹ sư công nghệ, ngụ Q.Hoàng Mai, Hà Nội) thì bức xúc chuyện bị phụ huynh can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ của mình: "Dù mình đã đi làm rồi nhưng cha mẹ vẫn cứ muốn biết bạn bè mình gồm những ai, đang làm việc ở đâu. Mình đang chơi thân với ai, là đàn ông hay phụ nữ, liệu có ổn không".
"Hồi năm 3 đại học, mình có tìm hiểu một bạn nữ cùng lớp. Chẳng hiểu sao mẹ lại biết chuyện nên cứ nằng nặc đòi mình dắt về để coi mắt. Đến lúc gặp mặt thì hết bố rồi đến mẹ hỏi han đủ mọi chuyện trên đời khiến cô bạn ấy phát hoảng rồi dứt khoát chia tay sau đó không lâu", anh kể tiếp.
"Giám thị" trong nhà
Mỗi lần họp mặt nhóm bạn thời trung học là mỗi lần cô Kim Mai (57 tuổi, ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang) như được dịp trút nỗi lòng về chuyện con cái.
Cô tâm sự: "Nhớ hồi xưa, cho dù mình có đúng hay sai gì nhưng hễ cha mẹ nói một lời là 7-8 anh em răm rắp làm theo, không dám hó hé. Còn con cái bây giờ mỗi đứa mỗi tánh nết khác nhau.
Người lớn chưa nói hết câu là tụi nhỏ đã rần rần phản ứng. Đứa nào cũng đề cao cái tự do cá nhân, không muốn cha mẹ quan tâm hay đề cập đến thói quen, sở thích của bản thân. Khổ nỗi, mình không để ý đến thì bọn trẻ cho là cha mẹ bỏ rơi, thiếu công bằng với con cái.
Nhưng nếu hỏi thăm, quan tâm này nọ thì lại mang tiếng là "giám thị" trong nhà. Buồn ở chỗ, con cái không hiểu sự lo lắng ấy là tình thương vô bờ bến của mẹ cha mà cứ nghĩ là sự gò bó, ràng buộc".
Cùng tâm trạng đó là nỗi lòng của chú Quang Minh (60 tuổi, ngụ huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) khi có đứa con đi học xa nhà.
"Cha mẹ nào lại không lo lắng cho con cái dù ở tuổi nào đi nữa. Nhất là xã hội bây giờ nhiều cạm bẫy tinh vi khó lường. Mình quan tâm, hỏi thăm này nọ thì chúng lại kêu là cha mẹ tò mò, xâm phạm đời tư.
Có lần nhớ con quá, vợ chồng tôi bắt xe qua Cần Thơ để thăm nó mà không báo trước. Nào ngờ thằng con đi du lịch xa với bạn bè nên khóa trái cửa nhà. Gọi điện cả chục cuộc ông con mới bắt máy.
Chưa kịp nói gì nó đã trách vợ chồng tôi sao không báo trước rồi cúp máy ngang để tiếp tục cuộc vui", chú thuật lại với giọng trầm buồn.
Cha mẹ và con cái cần tìm cách hiểu nhau
Cha mẹ nào cũng mong muốn đồng hành với con nhưng đôi khi cách thể hiện chưa đúng, thích kiểm soát là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc con cái khi bước vào độ tuổi trưởng thành muốn rút vào thành trì cá nhân, không có nhu cầu trò chuyện, nối kết cùng cha mẹ.
Nuôi dưỡng một mối quan hệ tích cực đòi hỏi sự cởi mở, đồng cảm và nỗ lực thực sự để thu hẹp khoảng cách thế hệ bằng sự hiểu biết, tôn trọng và đánh giá cao những quan điểm và kinh nghiệm độc đáo của nhau.
Bằng cách chấp nhận sự đồng cảm và giao tiếp cởi mở, cả hai bên có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt hơn, vượt qua sự khác biệt về thế hệ.
Đặc biệt trong thời đại 4.0, cha mẹ cũng cần bắt kịp nhịp sống mới để dễ dàng giao tiếp cùng con.
Với các bạn trẻ, thu hẹp khoảng cách thế hệ không hẳn phải là làm điều gì to tát, mà chính là những hành động, lời nói, sự quan tâm thường xuyên mà bạn dành cho cha mẹ. Nên dành một ít thời gian trong tuần để trò chuyện cùng cha mẹ mình thay vì chỉ biết hờn dỗi, trách móc.
Ai cũng vậy, khi sống quá nửa đời người thường mặc định kiến thức và tầm nhìn của mình sẽ hơn hẳn những đứa trẻ mới bước chân vào đời, nên việc đòi hỏi hay áp đặt là điều khó tránh khỏi.
Do đó nên đặt mình vào vị trí của cha mẹ để hiểu. Bởi sau này dù sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ trở thành những người làm cha mẹ. Hiểu và cảm thông cho cha mẹ cũng là cách để bản thân thấy mình trưởng thành hơn.
Trò chuyện là điều tiên quyết và quan trọng để tháo gỡ những khúc mắc và rút ngắn khoảng cách thế hệ.
Cha mẹ cần chủ động khơi gợi và chia sẻ với con cái, chỉ khi bước vào thế giới của con để thấu hiểu thì con cái cũng sẽ sẵn sàng mở lòng một cách thoải mái nhất để tâm sự những lo lắng, những điều riêng tư, sâu kín, những gì hài lòng và áp lực đè nén.
BÌNH LUẬN HAY