
Ngô Anh Khoa vượt khó học giỏi suốt chín năm liền trong hoàn cảnh côi cút - Ảnh: V.TUẤN
Ra đời, Khoa đã chẳng thấy mặt cha. Đến năm cậu học lớp 3, mẹ đi bước nữa nên Khoa sống với ông bà ngoại. Khoa nói mình chẳng trách gì mẹ vì cuộc sống cũng quá khó khăn dù thỉnh thoảng mẹ vẫn về thăm, vẫn góp chút tiền phụ bà nuôi cháu. Bạn nói cố mà học vì thương bà vất vả mò ốc kiếm từng đồng nuôi cháu.
Cậu học trò đứng một mình trong buổi chụp ảnh kỷ yếu

Niềm háo hức của các đại biểu thiếu nhi cả nước về Hà Nội dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ X - Ảnh: V.TUẤN
Đã là năm cuối THCS, cũng là lần thứ hai cậu học trò dáng người gầy gò ấy được về thủ đô Hà Nội. Khoa nói đi đại hội, háo hức chờ được đi viếng lăng Bác, qua thăm nhà sàn và ao cá Bác Hồ cùng Bảo tàng Lịch sử quân sự...
Cậu học trò tự nhận có lẽ mình may mắn và cũng được các thầy cô ưu ái. Trong khi thầy cô và chúng bạn lại thấy chẳng mấy người xứng đáng hơn Khoa để có mặt tại cuộc hội ngộ hàng trăm điển hình măng non toàn quốc lần này.
Mới tuần trước, khối lớp 9 của trường cùng chụp ảnh kỷ yếu. Ai cũng vui cười, tíu tít tạo dáng chụp ảnh bên bạn bè và cả ba mẹ. Chỉ có Khoa cứ thui thủi một mình, đứng ở góc sân lặng nhìn đám bạn. Thầy giáo tổng phụ trách Đội nhìn thấy cảnh ấy, chạy lại kéo cậu ra chụp cùng. Thầy biết đứa học trò đang tuổi lớn lúc đó tủi thân lắm!
Thầy Nguyễn Văn Bình, tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoàng Hoa Thám, cho hay các hoạt động Đội ở trường đã phần nào giúp bạn khuây khỏa. Hiểu hoàn cảnh, các thầy cô, bạn bè luôn tìm cách chia sẻ, động viên để Khoa vui tươi, hòa nhập với mọi người.
Học giỏi mới mong giúp bà bớt vất vả
Chín năm liền đều là học sinh giỏi, Khoa nói chỉ có học thật giỏi mới mong sau này giúp được bà. Hồi gần hết lớp 5, Khoa đã nộp hồ sơ thi vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS của huyện. Trong suy nghĩ của Khoa nếu vào được trường nội trú ông bà ngoại sẽ đỡ vất vả hơn, mà trường cũng nhiều bạn giỏi, thi đầu vào khắt khe.
Nhưng đến sát ngày thi, xã Tiến Thắng quê Khoa không còn thuộc vùng khó khăn nên cậu không đủ điều kiện để được vào học trường nội trú. Khoa về học ngôi trường THCS của xã, quyết tâm phải học và thi học sinh giỏi để có cơ hội vào trường điểm của huyện.
Rồi Khoa được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn ngữ văn. Với thành tích giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn giáo dục công dân, Khoa đủ điều kiện để chuyển vào lớp chọn của Trường THCS Hoàng Hoa Thám.
Nhưng Trường THCS Tiến Thắng với Khoa như ngôi nhà của mình. "Em nhớ nhất là cô Huê, thương em như con cháu ấy. Lúc nào cô cũng đồng hành, giúp em vượt qua khó khăn để cố gắng học tập", Khoa kể.
Cô Huê là giáo viên dạy ngữ văn Đường Ngọc Huê và hiện là phó hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thắng. Cô đã luôn động viên, giúp cậu học trò nghèo nhiều thứ, vì "cậu bé ấy ngoan, luôn có chí tiến thủ và lúc nào cũng tích cực, nỗ lực không ngừng".
Ngày Khoa chuyển trường, nhiều thầy cô và các bạn buồn lắm. Nhưng được học ở trường điểm, Khoa sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nên thỉnh thoảng được nghỉ học sớm, Khoa vẫn tranh thủ ghé về trường cũ thăm cô cùng các bạn.
Không bao lâu nữa Khoa sẽ hoàn tất năm cuối THCS. Những ngày tới sẽ là kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời. Tạm gác những ngày lo âu, Khoa vui với bạn bè khắp nơi cùng về Hà Nội dự đại hội rồi lại tất bật ôn tập để thi vào lớp 10.
Chiếc lưng còng của bà ngoại 70 tuổi
Bà ngoại Ngô Anh Khoa năm nay đã gần 70 tuổi vẫn ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngoài đồng mới có thể tạm nuôi cháu bao năm qua. Mỗi ngày bà thức từ mờ sáng, tranh thủ đi làm lúc trời chưa nắng.
Trời trưa đứng bóng, bà lại mò mẫm dưới mương bắt từng con ốc mang ra chợ bán. Bà tằn tiện từng đồng dành cho cháu ăn học. Cuộc mưu sinh đã đẩy ông ngoại Khoa vào mãi Quảng Nam kiếm sống, phải Tết mới thấy ông về.
Khoa thương bà. Với Khoa bà có khác chi mẹ. Ngoài giờ học, Khoa giúp bà công việc nhà, lo nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... cái gì cũng làm được. Hôm nào rảnh cậu lại cùng bà ra ruộng giẫy cỏ, phát bờ hay khi lội bùn cấy lúa. "Công việc nhà nông vất vả, mình càng thấm thía những giọt mồ hôi ướt đầm trên tấm lưng còng gầy guộc của bà", Khoa tâm sự.
Tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc

Các đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ trải nghiệm công nghệ số tại Bảo tàng công nghệ Viettel - Ảnh: VŨ TUẤN
Hôm nay (15-5), đúng 84 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội trung ương sẽ tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tại đại hội lần thứ X ở thủ đô Hà Nội.
500 đại biểu thiếu nhi (184 nam, 316 nữ) đại diện cho gần 16 triệu đội viên thiếu niên, nhi đồng cả nước đã được chọn tham dự đại hội. Trong đó có 103 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt 47 bạn nhỏ đoạt giải các kỳ thi quốc tế, 95 bạn đoạt giải các kỳ thi cấp quốc gia, 244 bạn đoạt giải các kỳ thi cấp tỉnh, 245 bạn đoạt giải các kỳ thi cấp huyện.
Trong số này có 217 bạn là liên đội trưởng, 100 bạn là liên đội phó đều là những gương mặt chỉ huy Đội nổi bật. Và nhiều đại biểu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng không ngừng luôn nỗ lực vươn lên học tập, rèn luyện được tuyên dương dịp này.
Trong các hoạt động của đại hội, 44 đại biểu đã được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Kim Đồng. Đây là 44 trong tổng số 121 đội viên và chỉ huy Đội nhận giải thưởng này năm nay là đại biểu chính thức dự đại hội. Giải thưởng ghi nhận, tôn vinh những đội viên, chỉ huy Đội có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và hoạt động công tác Đội.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, bí thư Trung ương Đoàn - chủ tịch Hội đồng Đội trung ương, cho biết đây là đại hội có số lượng đại biểu tham dự đông nhất, cũng là đại hội có số đại biểu thiếu nhi giành được các giải thưởng lớn trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh nhiều nhất từ trước đến nay.
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X năm 2025 còn được xem là đại hội của công nghệ, chuyển đổi số. Ngoài việc ứng dụng công nghệ trong khâu tổ chức đại hội, các bạn nhỏ cả nước về dự đại hội đã có dịp trải nghiệm khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại Bảo tàng công nghệ số của Tập đoàn Viettel, tham quan Tập đoàn FPT và Trung tâm AI (Trường đại học VinUni) trong hai ngày trước đó.
Các đại biểu thiếu nhi đã làm lễ báo công và vào lăng viếng Bác, đồng thời có cơ hội giao lưu, gặp gỡ các chuyên gia công nghệ, những gương mặt trẻ tiêu biểu về khoa học, công nghệ tại các trung tâm công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trong khuôn khổ đại hội, các bạn đã đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cùng nhiều hoạt động hữu ích khác.
BÌNH LUẬN HAY