
Khi xảy ra va quẹt trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là có kẹt xe kéo dài - Ảnh: MINH HÒA
Trước tình trạng nhiều đoạn trên cao tốc Bắc - Nam phía đông hiện chỉ dừng ở mức 4 làn hạn chế, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn khi có xe hỏng hóc giữa đường hay một số tuyến cao tốc quan trọng như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn tắc dù chỉ có một va chạm nhỏ, việc mở rộng cao tốc thật sự cấp thiết.
Đặt trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đã sáp nhập, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển (theo nghị quyết 68), vấn đề này càng có căn cứ để thực hiện sớm.
Cao tốc Bắc - Nam: ưu tiên mở rộng từ Hà Nội đến TP.HCM
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trước mắt tập trung ưu tiên mở rộng 1.144km đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội đến TP.HCM từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe đầy đủ với tổng mức đầu tư khoảng 152.102 tỉ đồng.
Toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau (dài khoảng 2.063km) trước đó đã được quy hoạch 6 - 12 làn xe.
Đến nay toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.443km, chủ yếu 4 làn xe hạn chế. Một số đoạn tuyến đang được nghiên cứu, triển khai đầu tư mở rộng theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh như các đoạn: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, TP.HCM - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Như vậy trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, ngoài những đoạn đang được mở rộng, đến hết năm 2025 có khoảng 1.222km 4 làn xe hạn chế, tập trung chủ yếu ở các đoạn tuyến Mai Sơn - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Vĩnh Hảo và Mỹ Thuận - Cà Mau.
Thời gian qua Bộ Xây dựng đã đề xuất trước mắt tập trung ưu tiên mở rộng đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc cho các đoạn tuyến thuộc đoạn Hà Nội - TP.HCM với 18 dự án thành phần (được đầu tư theo các nghị quyết của Quốc hội với tổng chiều dài 1.144km gồm 3 dự án PPP và 15 dự án đầu tư công).
Trên cơ sở đó, tháng 3-2025, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến sẽ được khởi công, mở rộng trong năm nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cân nhắc đầu tư công và PPP
Thời gian gần đây liên tục có nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện các dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía đông theo tinh thần nghị quyết 68. Bộ Xây dựng đã họp với các nhà đầu tư để ghi nhận góp ý về sự cần thiết đầu tư mở rộng, thông số tài chính, phân chia dự án thành phần.
Qua tính toán và ý kiến các nhà đầu tư, Bộ Xây dựng nhận thấy có 4 dự án thành phần đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Phan Thiết - Dầu Giây), chiều dài 255km là các tuyến có nhu cầu vận tải cao nhất cần khoảng 26.718 tỉ đồng để mở rộng.
Trường hợp đầu tư PPP phần mở rộng với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 3 - 13 năm sẽ không cần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Có 3 dự án thành phần đầu tư BOT giai đoạn 2017 - 2020, chiều dài 178km cần khoảng 25.343 tỉ đồng để mở rộng (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) sẽ có những khó khăn nhất định khi nhà đầu tư tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện, cần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Với 11 dự án thành phần đầu tư công còn lại, tổng chiều dài 711km, cần khoảng 100.041 tỉ đồng, cơ bản là các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải không cao.
Trường hợp đầu tư PPP phần mở rộng, thời gian thu phí hoàn vốn trung bình khoảng 27 năm, thậm chí có dự án như Quy Nhơn - Chí Thạnh khó khăn về phương án tài chính. Vì vậy các dự án thành phần này dự kiến cần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chủ trương nghị quyết số 68, việc đầu tư mở rộng theo phương thức PPP được xác định trên cơ sở các nguyên tắc, mục tiêu chính là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nên cần nghiên cứu phương án đầu tư kết hợp giữa các dự án thành phần có mức độ hấp dẫn PPP khác nhau để mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thấp nhất.
"PPP là phù hợp"
Vào tháng 3-2025, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng xem xét tiếp tục đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía đông lên 6 làn xe bằng vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, thực hiện tinh thần nghị quyết số 68, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông theo phương thức PPP.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm các phương án đầu tư, Bộ Xây dựng cho rằng để việc đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía đông theo phương thức PPP, hợp đồng BOT có tính khả thi cao, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thì phân chia thành một số dự án có quy mô lớn (như phân chia thành 2 dự án tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam) là khá phù hợp.
Bộ Xây dựng nhận định việc triển khai đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía đông theo phương thức PPP là cần thiết và phù hợp với định hướng "mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia" tại nghị quyết số 68 và đã có một số giải pháp, kiến nghị với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cứ 4 - 5km mới có một điểm dừng khẩn cấp - Ảnh: T.T.D.
Cao tốc thì phải đảm bảo quy chuẩn, an toàn cơ bản
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức), chia sẻ thời gian qua, một số tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn, thiếu làn dừng khẩn cấp liên tục... nên sau vài năm đã quá tải hoặc có xảy ra va chạm giao thông rất nguy hiểm. Vụ tai nạn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới đây là dẫn dụ.
Bộ Xây dựng cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc về quy mô làn xe (tối thiểu 4 làn), có làn dừng xe khẩn cấp liên tục trừ các trường hợp đặc biệt và nhiều quy định tiêu chuẩn kèm theo.
Nghị quyết 68 mở ra cơ hội cho tư nhân tham gia làm cao tốc, cơ sở hạ tầng. Nhà quản lý cần rà soát đoạn tuyến lớn khả năng sinh lợi nhuận thì tạo điều kiện tư nhân tham gia cùng làm.
Chúng ta có thể sử dụng nguồn thu ngân sách từ đây tiếp tục đầu tư cao tốc cho những nơi khác.
Ở Hàn Quốc áp dụng mô hình đường cao tốc do nhà nước và tư nhân cùng làm (nhà nước 40%, tư nhân 60%) rất hiệu quả.
Ngược lại có những đoạn tuyến khả năng sinh lợi nhuận thấp, nhưng cần được kết nối thúc đẩy sự phát triển vùng sâu, vùng xa thì do nhà nước làm.
Trong trường hợp tư nhân tham gia làm cao tốc, mức thu phí hoàn vốn cần tính toán hợp lý, nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Vì sao phải mở rộng cao tốc Bắc - Nam? Khi nào thực hiện?
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cần mở rộng tuyến cao tốc này từ Hà Nội đến TP.HCM lên 6 làn xe hoàn chỉnh bởi các lý do: định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đã khác so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía đông; nhu cầu vận tải trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng nhanh; điều kiện nguồn lực không phải trở ngại lớn trong khi yêu cầu hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông là trục giao thông quan trọng nhất của cả nước trở nên cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Về thời điểm triển khai mở rộng 18 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ 4 làn lên 6 làn xe, Bộ Xây dựng kiến nghị nên được cân nhắc sau khi hoàn thành công tác bảo hành của các nhà thầu theo các dự án đầu tư công trước đây (các dự án giai đoạn 2017 - 2020 hết bảo hành vào tháng 6-2026, các dự án giai đoạn 2021 - 2025 hết bảo hành vào tháng 12-2027) để tránh phát sinh tranh chấp pháp lý liên quan.

Thường xuyên ùn tắc xe khu vực từ đường lên cầu Long Thành (cao tốc TP.HCM - Long Thành) hướng về TP.HCM vào dịp cuối tuần - Ảnh: T.T.D.
Sân bay Long Thành chờ cao tốc 10 làn xe
Theo kế hoạch dự kiến, sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ xây dựng xong trong năm 2026. Hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - một trong những tuyến đường chính kết nối sân bay - đang quá tải. Việc Chính phủ cho phép đưa dự án mở rộng đường cao tốc này vào công trình thi công khẩn cấp với mong muốn đồng bộ với sân bay Long Thành khi vận hành.
Đề cập việc khai thác đồng bộ các dự án thành phần và giao thông kết nối sân bay, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo sớm triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành theo đúng quy mô, quy hoạch đã phê duyệt cho tuyến cao tốc này là 10 làn xe.
Theo ACV, việc đầu tư xây dựng, hoàn thành đồng bộ hệ thống giao thông kết nối nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc chuyển các chuyến bay quốc tế từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đến sân bay Long Thành.
"Điều này phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo dòng tiền trả nợ lãi vay ngân hàng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cũng như tiềm năng khai thác khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng", đại diện ACV đánh giá.
Trong số các dự án cao tốc kết nối vào khu vực sân bay Long Thành, ngoài dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ở cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua Đồng Nai dài 34,2km, với 2 dự án thành phần 1, 2) nối từ khu vực trung tâm tỉnh Đồng Nai về sân bay Long Thành đang được các đơn vị thi công gấp rút.
Dự án này dự kiến thông xe kỹ thuật trước 19-12 và đưa vào khai thác tháng 6-2026. Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng, chủ đầu tư dự án thành phần 2), mặt bằng trên hiện trường vẫn đang còn vướng mắc một số đường điện ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi công.
Vì vậy ban đã kiến nghị Ban quản lý dự án 5 (trước là Ban quản lý dự án huyện Long Thành) và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và hoàn thành di dời trong tháng 7-2025...
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm chỉ đạo các mỏ đá tăng công suất kịp thời đáp ứng nhu cầu của dự án.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua Đồng Nai gần 29km) sau thời gian ngưng trệ cũng có tín hiệu tích cực.
Dự án này cũng đang trong quá trình thi công với quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác đồng bộ trong tháng 9-2026, có thể kịp so với tiến độ sân bay Long Thành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện dự án trên còn thu hồi đất thêm đoạn từ quốc lộ 51 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài khoảng 300m) với diện tích thu hồi gần 2,8ha/60 hộ dân và phải bố trí tái định cư khoảng 75 hộ.
Trước đây UBND huyện Long Thành cũng đã làm xong kiểm kê, áp giá bồi thường...
Ở hướng kết nối với khu vực Tây Nguyên, Đồng Nai đang có các dự án cao tốc ngang qua như cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (dài 60km) có quy mô 4 làn xe, đã chọn nhà đầu tư.
Tiếp đó là dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 11km) có quy mô 4 làn xe. Cả 2 dự án trên dự kiến hoàn thành trong năm 2027.
Ở trục kết nối TP.HCM có dự án đường vành đai 3 qua Đồng Nai dài 11,2km có quy mô 4 làn xe, dự kiến thông xe kỹ thuật trước 19-12, đưa vào khai thác tháng 6-2026, kịp tiến độ khi sân bay Long Thành vận hành.
Ngoài ra còn có dự án đường vành đai 4 qua Đồng Nai dài 46,5km quy mô 4 làn xe cũng đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư...

Thi công mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên, từ 2 làn thành 4 làn để trở thành cao tốc - Ảnh: Đ.H.
Miền Trung mở rộng 2 cao tốc 2 làn xe lên 4 làn
Tại miền Trung, tuyến Hòa Liên - La Sơn (nối Đà Nẵng với Huế) dài khoảng 65km, được nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe hoàn chỉnh, mặt đường rộng 22m, vận tốc thiết kế 60 - 80km/h. Dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 240 ngày kể từ ngày khởi công 30-5.
Ông Trần Đức Hiệp, giám đốc quản lý dự án mở rộng đoạn La Sơn - Hòa Liên (thuộc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), thông tin dự án đã có sẵn mặt bằng, nên sau lễ khởi công, nhà thầu huy động đồng loạt phương tiện, thiết bị, nhân lực, bố trí 8 mũi thi công đường và 20 mũi thi công cầu tại 50 vị trí khác nhau.
"Chúng tôi đang điều chỉnh tiến độ các cầu để thi công đồng loạt, tránh ảnh hưởng trong mùa mưa. Giai đoạn đầu chúng tôi phát động chiến dịch 90 ngày thi công thần tốc, chia 3 ca 4 kíp, với mục tiêu đến tháng 9 hoàn tất toàn bộ mố trụ cầu trước mùa thời tiết cực đoan", ông Hiệp cho biết.
Ngoài ra tuyến cao tốc La Sơn - Cam Lộ (nối Huế với Quảng Trị) dài gần 99km cũng sẽ được nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 22 - 23m. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong tháng 8 tới.
Tư nhân đầu tư gần 40.000 tỉ đồng mở rộng cao tốc về miền Tây
Thời gian gần đây cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thường xuyên bị quá tải, ùn ứ tại một số vị trí, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần và tại các vị trí đang có các công nhân sửa chữa mặt đường.
Trước đó Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 39.800 tỉ đồng.
Đoạn TP.HCM - Trung Lương sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, nền đường rộng 41m, vận tốc thiết kế 120km/h. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ mở rộng từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe, nền đường rộng 32,2m theo quy mô đã quy hoạch, vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 - 2028, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công.
BÌNH LUẬN HAY