
Các đại biểu làm nghi thức động thổ dự án thành phần 1 cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với tổng vốn gần 20.000 tỉ đồng - Ảnh: NAM HÀ
Dự án thành phần lớn nhất cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Dự án thành phần 1 - xây dựng tuyến chính của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là dự án thành phần quan trọng nhất của toàn dự án với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 124,13km (đoạn qua Đắk Nông dài khoảng 23,1km, đoạn qua Bình Phước dài khoảng 101,03km), quy hoạch quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài rộng 25,5m (mở rộng dải phân cách giữa để bố trí hệ thống điện chiếu sáng).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.965 tỉ đồng. Trong đó vốn nhà nước 6.842 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 12.134 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay 989 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 - 2027.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền, ký kết hợp đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước mời thầu.
Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty CP và Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam là nhà đầu tư đề xuất dự án.
UBND tỉnh Bình Phước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định. Trong đó lưu ý lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không để sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đánh giá dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với tỉnh Bình Phước và Đắk Nông mà còn đối với toàn vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tuyến đường đóng vai trò là trục kết nối chiến lược, liên kết chặt chẽ các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và nhiều địa phương khác với TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động bậc nhất của cả nước.
Việc hình thành tuyến cao tốc không chỉ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho cả hai vùng, mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản và các ngành kinh tế chủ lực khác.
"Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư. Đồng thời đóng góp vào việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao liên kết vùng theo định hướng phát triển bền vững", bà Hiền nhấn mạnh.
Liên quan dự án này, ngày 28-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã khởi công dự án thành phần 2 (đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang qua địa bàn). Dự án thành phần gồm 20 đoạn tuyến đường gom với tổng chiều dài khoảng 28,4km và 5 cầu vượt ngang, tổng mức đầu tư 338 tỉ đồng.
Ngày 19-4, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khởi công hai dự án thành phần 3 và 5 cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Trong đó dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước - có chiều dài hơn 95,1km. Dự án thiết kế mới 20 cầu vượt ngang với tổng mức đầu tư 951 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương.
Dự án thành phần 5 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước - có tổng mức đầu tư 3.977 tỉ đồng bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 1028ha, khoảng 2.150 hộ dân bị ảnh hưởng.
Như vậy đến nay 4/5 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã được khởi động.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài hơn 124km. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ.
Điểm đầu dự án giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 hiện hữu) tại km1923+400, thuộc địa phận xã Kiến Thành, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 xây dựng tuyến chính của cao tốc được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) do UBND tỉnh Bình Phước chủ trì.
Ngoài ra, Đắk Nông và Bình Phước mỗi địa phương thực hiện hai dự án thành phần về giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua địa bàn.
BÌNH LUẬN HAY