Campuchia và Thái Lan phát tín hiệu đàm phán sau giao tranh biên giới

Nguy cơ xung đột toàn diện giữa Campuchia và Thái Lan tạm lắng xuống, khi cả hai nước đều bắt đầu phát tín hiệu mong muốn đối thoại sau hai ngày giao tranh ác liệt.

Thái Lan - Ảnh 1.

Binh sĩ Campuchia khiêng nạn nhân ra khỏi một ngôi chùa bị pháo Thái Lan đánh trúng ở tỉnh Oddar Meanchey hôm 25-7 - Ảnh: AFP

Sau hai ngày giao tranh ác liệt khiến hàng chục người thương vong, Campuchia ngày 26-7 đã kêu gọi một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" với Thái Lan, đồng thời thúc giục tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước, theo Hãng tin AFP.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết Phnom Penh mong muốn giải quyết căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại.

Về phía Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nikorndej Balankura tuyên bố Bangkok sẵn sàng đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng, ưu tiên giải pháp song phương, nhưng không loại trừ khả năng thông qua trung gian như Malaysia - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2025.

Tuy nhiên trong phát biểu sau đó với Hãng tin Reuters, ông Nikorndej thể hiện lập trường cứng rắn hơn khi khẳng định Thái Lan "chưa cần đến trung gian từ nước thứ ba vào lúc này", nhấn mạnh rằng Campuchia cần dừng các hành động quân sự trước khi có thể tiến tới đối thoại. 

"Cửa vẫn mở, nhưng phải là đối thoại trực tiếp giữa hai bên", ông nói.

Trước đó, giao tranh giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á đã nổ ra vào ngày 24-7 và tiếp tục kéo dài sang ngày 25-7, với sự tham gia của máy bay chiến đấu, pháo hạng nặng, tên lửa BM-21 và xe tăng.

Quân đội Thái Lan cho biết lực lượng Campuchia đã nã pháo và tên lửa vào ba khu vực biên giới, buộc họ phải đáp trả "bằng hỏa lực tương ứng".

Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 1 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương. Thái Lan sơ tán hơn 138.000 người khỏi khu vực biên giới và báo cáo 15 người thiệt mạng, gồm 14 dân thường và 1 binh sĩ, cùng 46 người bị thương.

Cả hai nước đều cáo buộc nhau nổ súng trước, trong đó Thái Lan lên án Campuchia tấn công cơ sở dân sự, bao gồm một bệnh viện và một trạm xăng. Campuchia bác bỏ cáo buộc, cho rằng nước này yếu hơn về mặt quân sự nên khó có khả năng chủ động gây chiến.

Hiện giao tranh đã bắt đầu hạ nhiệt, theo Hãng tin AFP nhận định. Giới quan sát kỳ vọng thiện chí từ cả hai phía sẽ mở đường cho một giải pháp ngoại giao, tránh để xung đột lan rộng thành chiến tranh toàn diện.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan đã kéo dài nhiều năm qua, từng bùng phát thành các cuộc giao tranh vào giai đoạn 2008 - 2011.

Một phán quyết của tòa án Liên hợp quốc năm 2013 đã làm dịu căng thẳng giữa hai nước trong hơn một thập kỷ, nhưng xung đột đã bùng phát trở lại vào tháng 5 sau cái chết của một binh sĩ Campuchia ở khu vực biên giới tranh chấp.

Campuchia và Thái Lan phát tín hiệu đàm phán sau giao tranh biên giới - Ảnh 3.Tin tức thế giới 26-7: Campuchia kêu gọi ngừng bắn lập tức với Thái Lan; Mỹ - Trung đối đầu ở LHQ

Campuchia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức với Thái Lan; Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng tiếp tay cho Nga trong chiến sự Ukraine; Khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - EU là 50/50... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 26-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0