
Vĩnh biệt hình ảnh Superman khắc kỷ, u tối và thần thánh hóa, chào mừng một kỷ nguyên của người hùng không hoàn hảo - Ảnh: Warner Bros
Superman (2025) - bộ phim đầu tiên trong kỷ nguyên mới - không chỉ đáp ứng kỳ vọng tái khởi động vũ trụ DC đầy màu sắc, mà còn được nhiều nhà phê bình và fan đánh giá là vượt trội hơn Man of Steel (2013) của Zack Snyder trên nhiều phương diện.
Từ cách khắc họa nhân vật chính, câu chuyện mang màu sắc lạc quan, cho đến kỹ thuật dàn dựng hiện đại, Superman đã chứng minh rằng đây là hình mẫu đáng mơ ước cho các phim siêu anh hùng trong tương lai.
Superman không còn là vị thánh cứu thế Snyder từng lầm tưởng
Điểm nổi bật đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là cách James Gunn lựa chọn kể lại câu chuyện về Clark Kent.
Không còn là một người đàn ông xa lạ lạc lõng giữa nhân loại, Superman của David Corenswet mang đậm chất người - một chàng trai trẻ lớn lên ở Kansas, mang trong mình những giá trị nhân văn từ cha mẹ nuôi Jonathan và Martha Kent.

Tuy thời gian lên hình khá ngắn ngủi, nông trại nho nhỏ của gia đình Clark Kent tại Kansas đã giúp khán giả hiểu được tại sao Superman chọn làm điều thiện dù cho khó khăn thử thách - Ảnh: Warner Bros
Dù phải đối mặt với sự thật rằng anh được gửi đến Trái đất để chinh phục loài người, Clark vẫn chọn con đường bảo vệ và đồng hành cùng nhân loại.
Tinh thần lạc quan và niềm tin vào điều tốt đẹp khiến Superman của James Gunn gần gũi và dễ tạo sự đồng cảm hơn phiên bản trầm lặng, giằng xé của Henry Cavill.
Tông màu tươi sáng và bầu không khí hy vọng xuyên suốt bộ phim cũng là một làn gió mới so với Man of Steel.
Zack Snyder xây dựng thế giới u tối, mang nhiều màu sắc bi kịch và hoài nghi, trong khi James Gunn chọn phong cách rực rỡ, đậm chất truyện tranh và đầy sức sống.
Những khung hình được chăm chút kỹ lưỡng, lấy cảm hứng từ thời kỳ vàng son của DC Comics, khiến người xem như được sống lại thời hoàng kim của siêu anh hùng trên trang giấy.

Cái chết có phần lố bịch của Jonathan Kent - bố Clark Kent - trong Man of Steel đã trở thành một câu đùa nổi tiếng của các fan DC nhiều năm qua - Ảnh: Warner Bros
Không thể không nhắc đến Jonathan Kent - nhân vật bị chỉ trích trong Man of Steel vì lời khuyên "hãy để người khác chết để bảo vệ bí mật về sức mạnh" của ông.
Trong bản phim mới, Jonathan Kent do Pruitt Taylor Vince thủ vai là một người cha khiêm tốn, dịu dàng, truyền cảm hứng cho con trai bằng chính sự tử tế và lòng tin vào con người.
Dù xuất hiện không nhiều, nhưng ông trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho Clark, đặc biệt là trong một cảnh cảm động ở hồi ba của phim - một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất tác phẩm.
Dàn nhân vật phụ thú vị, rộng mở để vũ trụ DC mới khai thác
Không giống nhiều bộ phim siêu anh hùng mất gần nửa thời lượng để giới thiệu nhân vật, Superman (2025) chọn cách đi thẳng vào hành động.
Không mất thời gian cho nguồn gốc hay những màn giải thích lan man, phim đặt nhân vật chính vào trung tâm của những xung đột, nơi anh không chỉ đấm nhau với kẻ ác mà còn cứu trẻ em, dọn đường cho xe cứu thương và giúp đỡ những người bình thường.

Sau Superman, các fan DC đã có một nhân vật yêu thích mới trên màn ảnh rộng nhờ màn trình diễn tuyệt vời của Mr. Terrific - Ảnh: Warner Bros
Thế giới của DCU được mở rộng một cách tự nhiên, không gượng ép. Dù xuất hiện nhiều nhân vật phụ như Green Lantern, Hawkgirl, hay Mr. Terrific nhưng phim không bị loãng.
Những nhân vật này không chỉ là "trứng Phục Sinh", mà có vai trò rõ ràng trong câu chuyện, hứa hẹn những tuyến truyện tương lai mà vẫn để Superman là nhân vật trung tâm.
Đây là bài học từ thất bại của Man of Steel, vốn quá tập trung vào câu chuyện của riêng Superman mà không chuẩn bị đủ nền tảng cho một vũ trụ rộng lớn, nơi các anh hùng khác đang cùng sinh sống và chiến đấu khắp thế giới.

Không vội vàng như phiên bản năm 2013, chuyện tình trong Superman được xây dựng chậm rãi, chân thực và có chiều sâu - Ảnh: Warner Bros
Một bất ngờ khác đến từ mối quan hệ giữa Clark và Lois Lane (Rachel Brosnahan). Phim đặt trọng tâm vào sự khác biệt trong thế giới quan của hai người - một người lý tưởng hóa, một người thực tế - và để cho sự thấu hiểu, tin tưởng dần nảy nở.
Chính điều này khiến mối quan hệ của họ trở nên đáng nhớ, khác hẳn với mối tình có phần gượng ép trong DCEU.
Trong khi đó, kẻ phản diện Lex Luthor - do Nicholas Hoult thủ vai - được xây dựng chỉn chu và bám sát nguyên tác hơn hẳn phiên bản Jesse Eisenberg. Sự đối lập giữa anh và Superman không đơn thuần là thiện - ác, mà là xung đột giữa trí tuệ lạnh lùng và lý tưởng nhân bản.

Lex Luthor trái ngược hoàn toàn với Superman - là một con người luôn cố tìm diệt những phần nhân tính bên trong mình để đạt đến tư duy hoàn hảo, trong khi chàng người hùng kia vốn là người ngoài hành tinh nhưng lại hiểu được những giá trị làm nên một con người nhân hậu và nhân bản - Ảnh: Warner Bros
Dù không có quá nhiều thời lượng, mỗi lần Lex Luthor xuất hiện đều tạo sức nặng, hứa hẹn là đối trọng lâu dài cho Superman trong DCU.
Thêm vào đó, điều khiến Superman (2025) ghi điểm mạnh mẽ là nhịp phim tập trung và liền mạch. Không như Man of Steel bị đứt đoạn vì quá nhiều hồi tưởng, bản phim mới luôn giữ được xung lực kể chuyện từ đầu đến cuối.
Trailer cuối cùng của Superman
Mỗi cảnh phim đều có mục đích, dẫn dắt cảm xúc người xem đi từ tò mò, hồi hộp đến xúc động. Và khi phim kết thúc, khán giả rời rạp với một nụ cười nhẹ nhõm - thứ cảm giác mà các phim DC đã lâu không còn mang lại.
Quan trọng hơn cả, James Gunn không ngần ngại tôn vinh nguồn gốc truyện tranh của nhân vật. Phim không cố "hiện thực hóa" thế giới siêu anh hùng như cách Man of Steel từng làm.
Nhưng thay vì gây lố bịch, cách thể hiện đó lại khiến phim thêm thú vị bởi James Gunn hiểu rằng siêu anh hùng là để nhân loại có phương tiện để mơ ước và vượt khỏi những giới hạn luân thường.
BÌNH LUẬN HAY