
Tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 22-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2025 đến nay TP ghi nhận 6.711 ca tay chân miệng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2024 (4.510 ca).
Số ca bệnh nội trú là 967 ca, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 (842 ca), chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó, số ca tay chân miệng biến động, có xu hướng tăng từ tuần 8 (17-2 đến ngày 23-3) và tăng cao trong tuần 20 (ngày 12-5 đến ngày 18-5).
Riêng trong tuần 20 ghi nhận 916 ca tay chân miệng, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước (654 ca), trong đó số ca nội trú tăng 26% so với trung bình 4 tuần trước.
Đa số các quận huyện đều có số ca mắc tăng, trong đó 8/22 quận huyện có số ca mắc tăng cao so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước gồm quận 1, 5, 7, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình và TP Thủ Đức.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho hay trước tình hình số ca mắc tay chân miệng gia tăng nhanh và số ca nhập viện cũng tăng, việc hiểu biết rõ đường lây và các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn.
Theo đó, bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hoá, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt của trẻ bị bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ bị bệnh với trẻ khác qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hạt nước bọt.
Bệnh hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Và đặc biệt khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng (sốt, phát ban ở tay chân, loét miệng, biếng ăn) cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Ca mắc sốt xuất huyết tăng 134%
Cũng Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 18-5, TP ghi nhận 7.690 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 134% so với cùng kỳ năm 2024 là 3.287 ca). Trong đó, số ca bệnh nặng chiếm 1,5% trong tổng số ca mắc (112/7.690 ca).
Ghi nhận nhóm trên 15 tuổi có số ca mắc gấp 1,5 lần nhóm từ 15 tuổi trở xuống. Theo diễn tiến, số ca mắc hàng tuần năm 2025 đều cao hơn cùng kỳ năm 2024.
Khi mùa mưa đến, dự báo số mắc có xu hướng gia tăng hơn nữa, vì vậy công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết ngay từ đầu mùa dịch là rất quan trọng.
BÌNH LUẬN HAY