
Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội (áo trắng, hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) cùng gia đình - Ảnh: DANH TRỌNG chụp tư liệu
Trong hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 356 triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính vừa được Bộ Công an tổ chức (chiều 25-7), nhiều người không khỏi xúc động khi nghe thân nhân các liệt sĩ kể lại ký ức những ngày tiễn người thân ra trận.
Là những người vợ, người em... họ mang theo suốt đời một nỗi đau âm ỉ, tiễn người thân ra đi mà không có ngày trở lại, không một nấm mồ, không biết nơi an nghỉ.
Có người chỉ còn giữ lại chiếc đồng hồ cũ, ba lô bạc màu, mảnh thư ố vàng, hay một tấm ảnh đen trắng làm bằng chứng cho một cuộc đời từng tồn tại.
Bao nhiêu năm qua, họ lặng lẽ đi tìm, hy vọng rồi thất vọng, để rồi hôm nay, khi được hỗ trợ lấy mẫu sinh phẩm, đối chiếu ADN, họ có cơ hội đưa người thân "trở về" với tên tuổi, quê hương.
Quả chuối chín tiễn anh đi, nửa thế kỷ đợi anh "trở về"
Như câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Lan (65 tuổi, trú tại Quảng Trị) vừa tìm lại được hài cốt người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội - sau hơn nửa thế kỷ sống trong day dứt, khắc khoải.
Bà Lan kể năm 1972, khi anh Hội nhập ngũ, bà mới là cô bé 9 tuổi. Gia đình nghèo, mấy anh chị em sống quây quần bên cha mẹ trong căn nhà nhỏ. Anh Hội trong ký ức tuổi thơ của bà là một người hiền lành, chăm chỉ, gương mẫu, thường xuyên tham gia công tác Đoàn và phong trào ở xã.
Trước khi khoác áo lính, anh học khóa sư phạm và làm thầy giáo làng. Bà nhớ những ngày cuối tuần, anh trai lại về nhà, dạy các em học chữ, mang theo những viên kẹo chanh Hà Nội, "chia cho mỗi đứa một cái".
"Anh tôi lúc nào cũng dịu dàng với các em. Lần nào về cũng mua kẹo. Tôi nhớ mình từng nũng nịu dặn anh lần sau nhớ mua nhiều kẹo cho em hơn nữa nhé", bà Lan rưng rưng kể.

Bà Nguyễn Thị Lan (thứ 2 từ trái qua) kể lại ký ức cuối cùng về anh trai liệt sĩ - Ảnh: DANH TRỌNG
Nhưng có một ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà Lan - ký ức cuối cùng về anh trai. Đó là khoảnh khắc chia tay hôm anh lên đường vào chiến trường. Bữa liên hoan chỉ có một trái chuối chín mẹ đưa.
"Hôm đó mẹ tôi ra vườn, nhà có buồng chuối chín, mẹ bẻ quả chín nhất ở nải đầu đưa cho anh Hội ăn để lên đường ra chiến trường. Anh ăn một quả chuối với gia đình rồi ra đi từ đó không trở về", bà Lan nghẹn ngào.
Một năm sau ngày nhập ngũ, gia đình đau đớn nhận giấy báo tử từ chiến trường phía Nam. Họ chỉ nhận lại vài kỷ vật là chiếc đồng hồ, ba lô bạc màu. Không biết anh hy sinh ở đâu, cũng chẳng có mộ phần để thắp hương.
Bao năm qua, gia đình bà Lan sống trong nỗi nhớ thương, chờ đợi mòn mỏi. Mỗi dịp 27-7, họ lại đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, khấn nguyện trong vô vọng.
Mãi đến nay, nhờ sự phối hợp giữa Bộ Công an và các cơ quan chức năng, mẫu ADN của bà Lan được đối chiếu thành công với hài cốt một liệt sĩ chưa xác định danh tính. Người anh trai năm xưa đã "trở về" với tên tuổi, quê hương với một ngôi mộ được khắc rõ họ tên.
"Cảm ơn vì đã giúp anh tôi không còn vô danh. Cảm ơn vì gia đình tôi không còn phải sống trong chờ đợi. Hơn 50 năm rồi… cuối cùng cũng tìm được anh", bà Lan xúc động nói.
Một tuần làm vợ, cả đời chờ đợi

Bà Lê Thị Thường - Ảnh: DANH TRỌNG
Cũng ở dải đất miền Trung nắng gió, bà Lê Thị Thường (73 tuổi, quê ở Nghệ An) vẫn nhớ như in những ngày tháng cách đây hơn nửa thế kỷ - khi bà chỉ vừa mới 19 tuổi, trở thành vợ của một người lính.
Ông Nguyễn Cảnh Trị - chồng bà - nhập ngũ vào tháng 1-1971. Bà nhớ đám cưới của hai người diễn ra vội vã, chỉ một tuần sau ông khoác ba lô lên đường ra trận. Chưa kịp sống trọn vẹn những ngày hạnh phúc, người chồng trẻ đã bước vào chiến trường đầy bom đạn.
Đến tháng 9 cùng năm, gia đình bà Thường nhận được giấy báo tử. Tin ông Trị hy sinh trên chiến trường khiến bà chết lặng. Ôm theo chút ký ức ngắn ngủi của cuộc hôn nhân vỏn vẹn một tuần, bà gắng gượng để tiếp tục cuộc sống và cống hiến.
Nén nỗi đau riêng, năm 1972 bà Thường tiếp bước chồng, xung phong vào lực lượng thanh niên xung phong. Ba năm phục vụ ở tuyến lửa, bà hoàn thành nhiệm vụ và trở về quê nhà vào năm 1975.
Cùng năm đó, vào tháng 9, bà bước thêm bước nữa, nhưng ký ức về người chồng đầu tiên vẫn mãi khắc ghi trong tim.
Suốt hàng chục năm trời, gia đình bà vẫn thắp hương vào ngày giỗ, vẫn gọi tên ông Trị trong lặng lẽ. Mộ phần ông ở đâu, không ai hay biết. Bà chưa bao giờ có cơ hội đến thăm nơi ông yên nghỉ.
Cho đến ngày hôm nay, nhờ chương trình kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ giám định ADN, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị đã được xác minh. Gia đình vỡ òa trong niềm xúc động khôn nguôi.
"Gia đình tôi vô cùng phấn khởi và xúc động. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã không ngừng nỗ lực để giúp người đã khuất trở về đúng nghĩa với tên tuổi, gia đình, quê hương", bà Thường nghẹn ngào nói với Tuổi Trẻ Online.
BÌNH LUẬN HAY