28/07/2025 15:02 GMT+7

Bộ trưởng trả lời cử tri việc không biến học sinh thành 'công cụ' kiếm thêm thu nhập của giáo viên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời về các giải pháp giảm dạy thêm, học thêm tràn lan và tăng cường nâng cao chất lượng giờ học chính khóa.

Bộ trưởng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có trả lời kiến nghị của cử tri một số địa phương gửi đến trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Không biến học sinh thành 'công cụ' để kiếm thêm thu nhập của giáo viên

Theo đó, cử tri tỉnh Hưng Yên nêu: sau khi thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm được triển khai đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng trong quản lý giáo dục, góp phần định hướng lại cách thức tổ chức dạy và học theo hướng lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh.

Do đó cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn để quản lý công tác dạy thêm, học thêm hiệu quả; để giáo dục được trả về đúng thực chất, không "biến" học sinh thành "máy học", "học vẹt" hay "công cụ" để kiếm thêm thu nhập của giáo viên.

Cùng với đó, Bộ cần xem xét, nghiên cứu giảm tải chương trình, tăng cường các hoạt động học ngoại khóa, trải nghiệm, học kỹ năng sống để hướng tới đào tạo thế hệ tương lai có sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay thời gian qua Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Cạnh đó, tăng cường nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục của nhà trường; dành thời gian, không gian cho học sinh được trải nghiệm, thực hành, rèn luyện thông qua các hoạt động giáo dục theo nhu cầu cá nhân để phát triển toàn diện.

Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện 10 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; ban hành theo thẩm quyền các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường phối hợp trong việc triển khai thực hiện thông tư 29/2024.

Theo đó, đề nghị các địa phương bố trí nguồn ngân sách, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh nhằm giảm việc dạy thêm, học thêm.

Đồng thời chỉ đạo các địa phương tích cực nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, đa dạng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, không gây áp lực học thêm cho học sinh.

Tiếp tục tham mưu đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Trong trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 17/2025 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em, học sinh theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại thông báo kết luận 177.

Cụ thể, các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. 

Từ đó giảm dạy thêm, học thêm tràn lan và tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; phù hợp với chủ trương của Đảng về "miễn học phí cho học sinh" và "tổ chức dạy học 2 buổi/ngày", đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển năng khiếu của từng học sinh.

Còn trả lời cử tri Hà Nội về nội dung liên quan quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai thực hiện thông tư 29 một cách hiệu quả, thiết thực.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý dịch vụ này được minh bạch, rõ ràng hơn.

Bộ trưởng GD&ĐT nêu giải pháp không biến học sinh thành 'công cụ' kiếm thêm thu nhập của giáo viên - Ảnh 3.Cần nỗ lực xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM tới Cần Thơ

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm đề nghị Cần Thơ cần tập trung vào đầu tư hạ tầng giao thông và tạo điều kiện cơ sở hạ tầng thu hút nhà đầu tư chiến lược vì sự phát triển lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0