
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5-2025 của Bộ Nội vụ diễn ra chiều 28-4, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đến nhiều nhiệm vụ trọng tâm quan trọng.
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiền lương, phụ cấp
Trong đó Bộ trưởng Trà yêu cầu tập trung tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ thông qua các tờ trình, đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp chậm nhất trước ngày 6-5; hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất trước ngày 10-5.
Trình Quốc hội ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị cấp tỉnh để các địa phương hoàn thành trước ngày 30-6, làm cơ sở cho các địa phương triển khai việc sắp xếp để bảo đảm đi vào vận hành cấp xã từ ngày 1-7, cấp tỉnh sau 30-8.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tổng hợp những vấn đề liên quan đến tài sản, kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong đó có việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc.
Một nhiệm vụ khác được bà Trà nhấn mạnh là chủ động rà soát các chính sách liên quan phụ cấp, tiền lương để kịp thời nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan bảo đảm đồng bộ, phù hợp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tham mưu cho Đảng ủy Bộ báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nội dung này hoàn thành trước 30-6.
Sớm khắc phục chậm trả lương sau sắp xếp
Về tiến độ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị sắp xếp, sáp nhập, Phó cục trưởng Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam cho biết sau khi Chính phủ ban hành chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thì các bộ, ngành cũng ban hành các quyết định thành lập tổ chức bộ máy đơn vị trực thuộc.
Khi triển khai nội dung này, các đơn vị khi có quyết định chính thức thành lập bộ máy phải kiện toàn các thủ tục như đăng ký con dấu, mở tài khoản, bổ nhiệm kế toán trưởng…
Tiến độ hoàn thiện bộ máy mỗi cơ quan đơn vị khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi trả lương.
Đến thời điểm này, ông Nam nói về cơ bản các cơ quan đã tiến hành trả lương và thời gian tới việc chậm trả lương sẽ sớm được khắc phục. "Các công chức chưa được trả lương tháng 3, 4 sẽ được trả lương trong thời gian tới", ông Nam nêu rõ.
Liên quan việc thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ông Nam cho biết nghị quyết 142/2024, Quốc hội đã giao Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thứ 9.
Theo kế hoạch, trong năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục báo cáo Ban Chỉ đạo và các cấp có thẩm quyền để thực hiện bước tiếp theo trong việc thể chế hóa các nội dung của nghị quyết 27.
Như các nội dung liên quan đến việc bãi bỏ mức lương cơ sở hay trả lương theo vị trí việc làm.
Trước đó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Vũ Trọng Bình cho biết trong đợt 1 tinh gọn bộ máy các bộ, ngành, địa phương, dự kiến có 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng.
Đối với đợt sáp nhập tỉnh, Cục đang phối hợp các đơn vị trong Bộ Nội vụ nắm chắc dữ liệu.
Đến thời điểm hiện nay chưa có dữ liệu để đánh giá đúng tình hình xem có bao nhiêu lao động rời khỏi khu vực công, trình độ chuyên môn..., từ đó để phân nhóm, phân loại và kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Khi đủ dữ liệu để đánh giá mới có những cơ chế, chính sách, nhất là cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm phù hợp với từng nhóm lao động.
Định hướng tinh gọn thôn, tổ dân phố
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay chủ trương của Trung ương là kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động.
Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan và các địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi kết thúc hoạt động đối với đối tượng này. Trong đó có thể ban hành một nghị định để giải quyết chế độ chính sách và bố trí với những người này.
Ông Tuấn khẳng định việc kết thúc hoạt động áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vẫn tiếp tục hoạt động và chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc kết thúc hoạt động của đối tượng này.
Về định hướng lâu dài, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, dự kiến trong năm tới sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó quy định chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và với số lượng thôn, tổ dân phố còn khá nhiều thì trong 5 năm tới cũng tính tới việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn.
Việc tinh gọn này sẽ gắn với việc quy định tiêu chuẩn, chức danh của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố, cùng với các chế độ, chính sách đi kèm. Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét toàn diện vấn đề này.
BÌNH LUẬN HAY