09/04/2025 14:34 GMT+7

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: 'Có tâm lý dè dặt trong thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao'

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng trong bối cảnh đang sắp xếp bộ máy, có tâm lý dè dặt trong thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: 'Có tâm lý dè dặt trong thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao' - Ảnh 1.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương báo cáo kết quả triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 9-4, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Nhiều địa phương mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - cho biết tính đến nay 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre) đã đăng ký tham gia đề án với tổng diện tích 1.015ha.

Đề án đã triển khai thí điểm bảy mô hình cấp trung ương tại 5 địa phương gồm Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả cho thấy các mô hình giảm chi phí sản xuất từ 8,2% - 24,2%, trong khi năng suất tăng 2,4% - 7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12% - 50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha) so với canh tác truyền thống.

Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.

Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết năm qua tỉnh chọn một hợp tác đủ điều kiện tham gia sản xuất thí điểm với diện tích 50ha, sử dụng giống lúa ST25. 

Với kết quả cho thấy lợi nhuận tăng thêm khoảng 25%, giảm khí CO2 là 4 tấn/ha/vụ, do đó định hướng năm 2025 tỉnh tiếp tục chọn 8 mô hình điểm thí điểm với hơn 350ha nữa.

Ông Dương Tấn Hiển - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - cũng cho biết năm 2024 thành phố thực hiện thí điểm 170ha tại ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai và cho kết quả tích cực. Năm 2025 thành phố sẽ tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng vùng thực hiện đề án, mở rộng diện tích khoảng 35.000ha…

"Đến một lúc gạo xanh, phát thải thấp mới xuất khẩu được"

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, bà Hương cũng nêu một số khó khăn trong thực hiện đề án, trong đó có nhận thức về đề án, triển khai đề án của các địa phương chưa đều, có lúng túng trong triển khai ban đầu. 

Đặc biệt, năm 2025 khi cơ cấu lại tổ chức hành chính, nhiều địa phương chưa hình dung được mô hình 2 cấp sẽ triển khai đề án thế nào để đảm bảo hiệu quả.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng nhìn nhận một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc hiểu rõ nội hàm đề án, nhất là trong bối cảnh đang triển khai sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương các cấp, dẫn đến có tâm lý dè dặt trong tổ chức thực hiện, nhất là việc phê duyệt dự án và ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương cho nông dân tham gia đề án.

"Cũng có những địa phương chú trọng và đặt vấn đề phải đầu tư hạ tầng trước, cái này thì đúng rồi, nhưng chúng ta làm song song, làm đồng thời chứ không phải chờ xong hạ tầng rồi mới làm được. Có những khâu chúng ta làm được ngay, kế thừa dự án đầu tư trước đây", ông Duy nêu quan điểm.

Kết luận tại hội nghị, ông Duy cũng cho biết vấn đề chia sẻ tín chỉ carbon, bộ đang tham mưu chính phủ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Đỗ Đức Duy - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

"Tôi khẳng định các doanh nghiệp xuất khẩu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ sẽ tới một thời điểm mà thế giới, nhất là các nước phát triển tuyên bố ngừng nhập khẩu lúa gạo không phải lúa gạo phát thải thấp, chỉ có gạo xanh, gạo phát thải thấp mới vào được thị trường khó tính.

Cái này đã trải nghiệm rồi. Trước đây thủy sản xuất khẩu thoải mái nhưng bây giờ phải minh bạch từ truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo quản thì mới vào được thị trường khó tính.

Hay xuất khẩu gỗ trước đây rất thuận lợi vào các thị trường thì nay bắt buộc phải có chứng chỉ phát triển rừng bền vững. Lúa gạo phải dán nhãn phát thải thấp mới được nhập khẩu chứ không phải như chúng ta đang nghĩ tới đây vẫn bình thường, không bình thường đâu. Tới đây các nước đặt ra không làm lúa gạo xanh, phát thải thấp thì không thể xuất khẩu vào đó được. Cho nên đây là một bước chuẩn bị của chúng ta.

Chúng ta đi sớm, đi trước, nhưng hoàn toàn phù hợp với xu thế. Cái hưởng lợi đầu tiên là duy trì được thị trường chất lượng cao, đó là cái được hưởng lợi lớn nhất của doanh nghiệp", ông Duy nói.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: 'Có tâm lý dè dặt trong thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao' - Ảnh 4.Gạo chất lượng cao, gạo thương hiệu bán chạy: Qua cái thời ăn gạo 'no name'

Ghi nhận tại các siêu thị, chợ truyền thống ở TP.HCM cho thấy các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu được nhiều người tiêu dùng chọn mua khi "ăn ngon" được đưa lên hàng đầu, thay vì "ăn no" như trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0