
Ông Nguyễn Văn Thuyết và vợ vui vẻ nói về mái trường cho trẻ em và các công viên cây xanh ở Bình Hưng Hòa - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Ý tưởng xây trường học, công viên cây xanh trên đất nghĩa trang từng khiến nhiều người ngỡ ngàng đã dần thành hiện thực. Sự "thay áo" đang diễn ra ở nơi từng được xem là "đất chết buồn hiu".
Trường học trên đất nghĩa trang
Sau hơn một thập niên từ chủ trương di dời nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, chúng tôi trở lại Bình Hưng Hòa - nơi những ngôi mộ cuối cùng đang dần nhường chỗ cho các công trình dân sinh.
Trước khu đất rộng lớn trên đường Hương lộ 3, anh Lê Thành Mốt (43 tuổi) dừng xe chăm chú đọc từng dòng chữ trên tấm bảng thông báo dự án xây dựng Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa. Thấy chúng tôi cũng dừng xe trước tấm bảng, anh vui vẻ nói "thấy xây trường mà mừng quá!".
Máy móc đã được đưa vào, công nhân đang bắt đầu làm phẳng nền đất. Nhà gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũ, anh Mốt chia sẻ trước đây mỗi lần đi ngang qua anh đều cảm nhận rõ không khí u buồn nhưng từ khi khu vực được phát quang, cỏ dại và cây cối rậm rạp được dọn sạch, những ngôi mộ lần lượt được di dời, khung cảnh dần trở nên sáng sủa hơn.
Đặc biệt, khu vực được dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng cũng không còn chỗ cho các tệ nạn xã hội từng ám ảnh người dân.
Ngày 12-5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân (cũ) đã chính thức khởi công xây Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa. Ngôi trường cao 4 tầng với 30 phòng học và các phòng chức năng dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm nay, mở ra một dấu mốc mới cho khu vực. Tin vui ấy đã thực sự chạm đến đời sống của người dân quanh khu nghĩa trang cũ.
Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Thuyết (67 tuổi) nằm trong hẻm đường Hương lộ 3, sát bên khu đất nghĩa trang đang được xây trường học. Ông phấn khởi kể sáng hôm lễ động thổ, đang ngồi ăn cơm cùng gia đình, ông bất chợt thấy thông báo trên Zalo rồi liền bỏ dở bữa chạy ra xem lễ.
Ông mở điện thoại khoe chúng tôi dòng tin nhắn kèm hình ảnh gửi từ một người được lưu là ông Năm Thuận, ghi rõ "Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa đã thành hiện thực rồi bà con ơi...". Vui lắm, chính người dân suốt nhiều năm sống bên "đất chết buồn hiu" này đã nhanh chóng cảm nhận sự hồi sinh.

Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa đang được xây dựng trên đất nghĩa trang cũ - Ảnh: NGỌC KHẢI
Từ đồng hoang, nghĩa địa đến trường học, công viên
Chúng tôi gặp ông Năm Thuận vì được giới thiệu là người hiểu rõ vùng đất này hơn ai hết. Ông có tên thật là Trần Văn Thuận - 68 tuổi, là trưởng khu phố 33, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũ (nay là phường Bình Hưng Hòa). Gắn bó nơi này gần 60 năm, ông có thể kể vanh vách từng đổi thay trên đất nghĩa trang rộng khoảng 10ha, thuộc giai đoạn 1 của dự án di dời.
Trong ký ức ông Thuận, trước năm 1975, đây là đồng hoang với một nghĩa địa nhỏ khoảng 3ha gọi là nghĩa trang Phật Học. Sau năm 1975, bà con tứ xứ kéo về khai hoang, cày cấy làm ruộng. Nhưng đất khô cằn, không trồng trọt được lâu nên dần người ta bán đất, mở rộng nghĩa trang. Từ đầu thập niên 1990, mồ mả ngày càng dày đặc, 3ha nghĩa địa ban đầu dần nở ra, vùng đất trở nên u ám, kéo theo cả tệ nạn xã hội.
Giọng ông Thuận trầm xuống khi nhắc năm tháng nơi này là điểm nóng của các vụ cháy cỏ, hút chích, mại dâm phức tạp... "Mùa khô thì cháy, mùa mưa thì cỏ mọc um tùm, tụi tôi đi tuần mệt nghỉ. Mấy cuộc gọi "Alo chú Thuận ơi, cháy rồi! Alo chú Duyên ơi, có hút chích"... như cơm bữa" - ông nhớ lại.
Người đồng hành với ông Thuận trong những lần tuần tra ấy là "chú Duyên trên từng cây số" - cách người dân nơi đây gọi ông Lê Văn Duyên, tổ trưởng bảo vệ dân phố (năm nay đã 77 tuổi). Ông Thuận ví von không có khúc đất nào ở đây mà ông Duyên chưa từng đặt chân tới. Hai ông cứ thế gắn bó với vùng đất này chờ ngày thay đổi.
Vì thế khi nghe tin trường học được xây dựng, ông Thuận rất vui: "Đỡ lắm, giờ an ninh trật tự cải thiện rõ, tối ngủ yên giấc hơn. Mà dân cũng mừng, lâu nay chỉ nghe di dời mộ, giờ mới thấy hình hài công trình mới".
Khoảng 10ha nơi ông Thuận và ông Duyên gắn bó chỉ là một mảnh ghép của toàn khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng hơn 40ha với khoảng 54.000 ngôi mộ. Từ năm 2010, thành phố đã có chủ trương di dời nghĩa trang này nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường và giải quyết các vấn đề mất an ninh trật tự. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014. Nơi này sẽ có hai trường học, còn lại khoảng 30,5ha được phát triển thành công viên cây xanh phục vụ người dân.
Ông Lê Văn Hồng Phương, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân (cũ), cho biết đến cuối tháng 5 đã hoàn tất di dời khoảng 60 ngôi mộ cuối cùng của giai đoạn 1 và 2 thuộc dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tổng cộng có hơn 32.000 ngôi mộ đã được bốc dỡ, trong đó giai đoạn 1 là 15.539 ngôi và giai đoạn 2 là 16.848 ngôi.
Dự án hiện đã bước sang giai đoạn 3, dự kiến sẽ chi trả chi phí bốc mộ cho người dân vào tháng 7 tới. Giai đoạn này liên quan đến 21.569 ngôi mộ.
Cuộc hồi sinh của đất và phận người
Tìm đến thực địa nơi đang triển khai bốc mộ giai đoạn 3 của dự án, trên con đường đất sâu bên trong nghĩa trang, chúng tôi bắt gặp bà Năm (68 tuổi) đang lom khom quét dọn các ngôi mộ. Gần 40 năm qua, bà sống giữa lòng nghĩa trang Bình Hưng Hòa, trong một "căn nhà" tạm bợ làm bằng khung sắt căng bạt có diện tích bằng... 3 ngôi mộ.
"Chiếc giường" của bà chỉ vừa đủ cho một người nằm, là khe hở giữa hai ngôi mộ kề sát nhau. Bà căng thêm võng bên trên để nghỉ trưa. Xung quanh chỉ toàn là mộ, cây bàng phủ bóng, cùng tiếng ve kêu râm ran...
Mỗi ngày, bà Năm quét dọn các mộ được gửi nhờ thắp hương nhổ cỏ. Bà kể do khó khăn, bà vào đây ở và mưu sinh bằng nghề dọn mộ, thu nhập đủ để cơm nước qua ngày. Dù vậy, bà vẫn cưu mang thêm hai mẹ con chị bán vé số vì thấy thương.
Đứa con trai của chị đã 6 tuổi, cũng chừng ấy năm bà lo cơm nước và chăm sóc cho mẹ lẫn con. Đứa cháu nhỏ gọi bà Năm là "ngoại" rất ngọt ngào dù không máu mủ ruột thịt.
Bà nói đã biết khu vực này sắp được bốc mộ, di dời. Gia đình nhỏ từng nương tựa nhau sống qua bao năm giờ sắp phải chia xa. Dù chưa biết tương lai ra sao, bà vẫn ủng hộ, bởi theo bà, thay đổi là điều nên đến.
Những cảnh hút chích, tệ nạn mà bà từng chứng kiến cũng dần thưa thớt theo thời gian. "Đất chết buồn hiu" đang thay da đổi thịt từng ngày. Bà Năm cười hiền, nói rằng biết đâu sau này lại đi bán vé số hoặc mở một quán nước nhỏ ngay tại nơi mình từng gắn bó để tiếp tục mưu sinh.
Còn ông Thuyết, sống ngay cạnh ngôi trường đang xây, cũng rất vui mừng. "Lần thay đổi này là quá tốt. Sau bao nhiêu năm trông chờ, nghĩa địa đầy mồ mả giờ lại làm trường học thì thật tuyệt vời.
Tôi có đứa cháu chuẩn bị vào lớp 1 nên khi có trường tiểu học này biết đâu cháu sẽ được học gần nhà hơn. Sạch sẽ và an ninh trật tự như vậy là quá tốt rồi", ông Thuyết vui tâm sự.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, phó chủ tịch UBND quận Bình Tân (cũ), khi trường học hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn. Về lâu dài, khu vực này cũng sẽ có thêm công viên, tạo thêm không gian sinh hoạt công cộng, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

“Đất chết buồn hiu” đang dần hồi sinh - Ảnh: NGỌC KHẢI
Việc chuyển đổi hơn 40ha nghĩa trang thành trường học và công viên không chỉ thay đổi diện mạo một khu vực từng u ám, mà còn là minh chứng cho hành trình tái thiết đô thị của TP.HCM. Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa mới chỉ là công trình đầu tiên trên vùng đất cũ. Từ cột mốc này, ký ức về một nghĩa trang lớn nhất thành phố dần khép lại, nhường chỗ cho câu chuyện mới được viết tiếp về một cuộc hồi sinh của đất, của người.
BÌNH LUẬN HAY