03/07/2025 17:22 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai mới nói về những định hướng lớn trong kế hoạch phát triển của tỉnh

Ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nhắn nhủ toàn thể cán bộ và người dân tỉnh Gia Lai mới mở rộng lòng mình, chung sức, đồng lòng, đoàn kết đưa Gia Lai vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới cùng đất nước.

Gia Lai - Ảnh 1.

Ông Hồ Quốc Dũng, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC

Cùng với nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ ngày 1-7 tỉnh Gia Lai mới đã hoàn thành hợp nhất từ tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định cũ để đi vào vận hành chính quyền 2 cấp.

Nhân dịp này, ông Hồ Quốc Dũng, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về một số định hướng lớn trong việc phát triển tỉnh mới.

Tỉnh Gia Lai mới có lợi thế phát triển toàn diện

* Thưa ông, sau hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai mới có diện tích lớn thứ 2 cả nước với 21.500km 2 và dân số 3,5 triệu người. Ông đánh giá thế nào về vị thế của tỉnh Gia Lai mới sau hợp nhất?

- Trước hết, cần khẳng định việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định để trở thành tỉnh Gia Lai mới là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước.  

Gia Lai - Ảnh 2.

Khu kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai đang được tập trung thu hút đầu tư, để trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Gia Lai mới - Ảnh: TẤN LỰC

Nhìn trên toàn cục, tỉnh Gia Lai hiện nay đã có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để vươn lên thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Đó là lợi thế hiếm có về vị trí địa lý với vai trò trung điểm miền Trung và cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên cùng khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia.

Với đường bờ biển dài 134km, quy mô dân số 3,5 triệu người cùng sự đa dạng địa hình, khí hậu, cảnh quan, đây là nền tảng để Gia Lai phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực: từ công nghiệp, thương mại, du lịch - dịch vụ, logistics, nông nghiệp, năng lượng...

Với địa bàn trải dài từ Đông sang Tây, nối từ biển đến biên giới, nhiều dạng địa hình: đồng bằng ven biển, trung du, miền núi, cao nguyên, tỉnh mới có nhiều lĩnh vực phát triển bổ trợ cho nhau rất hiệu quả.

Kết hợp thế mạnh giữa miền biển và miền núi

* Từ những đánh giá, nhìn nhận trên, ông có thể chia sẻ những định hướng lớn trong kế hoạch phát triển của tỉnh Gia Lai mới sau hợp nhất?

- Ngay khi bắt tay vào việc hợp nhất tỉnh mới, chúng tôi đã có kế hoạch sơ bộ về phát triển địa phương và đã chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, cụ thể hóa trên cơ sở xây dựng lại quy hoạch 2 tỉnh cũ. Quy hoạch mới sẽ tập trung phát triển thế mạnh của mỗi địa phương, loại bỏ những chồng chéo, trùng lặp trong định hướng phát triển.

Trong đó tại khu vực đồng bằng ven biển Đông Gia Lai sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, với đô thị trung tâm là các phường thuộc TP Quy Nhơn cũ, thị xã Hoài Nhơn cũ...

Khai thác tối đa thế mạnh đường bờ biển với nhiều vũng vịnh, đầm phá, bãi tắm đẹp để thu hút phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Gia Lai - Ảnh 3.

Đô thị Quy Nhơn được định hướng là hạt nhân phát triển vùng Đông Gia Lai mới - Ảnh: TẤN LỰC

Cùng với đó tiếp tục dành quỹ đất và kêu gọi đầu tư mạnh mẽ phát triển công nghiệp. Hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm với những nhà đầu tư lớn, có tác động lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt toàn ngành kinh tế.

Đối với vùng Tây Gia Lai, tỉnh tập trung phát triển trên 3 trụ cột chính là nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và du lịch.

Chúng tôi xác định rõ lợi thế chiến lược của khu vực phía Tây là vùng đất đỏ bazan màu mỡ rộng lớn, hết sức thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các loại cây công nghiệp.

Mục tiêu đặt ra phải hình thành các vùng nông nghiệp lớn, sử dụng công nghệ cao, trở thành trung tâm cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho cả nước.

Gia Lai - Ảnh 4.

Khu vực phía Tây Gia Lai có lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, khí hậu, thích hợp phát triển du lịch, nông nghiệp - Ảnh: TẤN LỰC

Cùng với đó, khu vực có lợi thế khí hậu ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng. Cần tập trung khai thác tối đa lợi thế "1 địa phương, 2 vùng khí hậu" để bổ trợ hoạt động du lịch giữa vùng biển và cao nguyên, thu hút khách du lịch tất cả các mùa trong năm.

Bên cạnh đó, tiềm năng năng lượng tái tạo với nguồn lợi điện gió, điện mặt trời, thủy điện hết sức dồi dào, cần tập trung phát triển. Các định hướng phát triển vùng Tây Gia Lai sẽ gắn chặt với đô thị hạt nhân các phường thuộc TP Pleiku cũ và các đô thị vệ tinh thị xã An Khê cũ, thị xã Auyn Pa cũ.

"Đã về chung một nhà, phải nghĩ lớn, làm lớn"

* Bên cạnh tiếng nói ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhân dân về chủ trương xây dựng tỉnh mới, vẫn còn đâu đó một vài lo ngại về những khó khăn khi sáp nhập hai tỉnh. Vậy việc đầu tư phát triển tỉnh mới sẽ thực hiện ra sao để mọi người dân đều được hưởng lợi, không bỏ trống địa bàn?

- Trong bối cảnh địa bàn rộng, dân số đông, nguồn lực còn nhiều hạn chế, chúng tôi sẽ tính toán các ưu tiên đầu tư kỹ lưỡng, trọng tâm, trọng điểm nhưng cũng không bỏ lại bất cứ địa phương, vùng miền nào.

Quan điểm của tỉnh là phát triển hài hòa, lan tỏa thành tựu tới tất cả mọi địa phương, mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt miền biển hay miền núi, đô thị hay vùng sâu vùng xa.

Để cụ thể hóa những định hướng trên, vấn đề then chốt là phải tập trung mời gọi, thu hút đầu tư. Trên thực tế tỉnh Gia Lai hiện nay vẫn chưa có những nhà đầu tư chiến lược, xứng tầm, đủ khả năng dẫn dắt và lan tỏa sự phát triển ra các ngành, lĩnh vực. Chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vô cùng phong phú của tỉnh.

Đây là điều mà tôi và tập thể lãnh đạo tỉnh rất trăn trở và quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Làm sao để tìm được những nhà đầu tư chiến lược, mang vai trò động lực để "chọn mặt gửi vàng" đưa tỉnh tiến nhanh, tiến mạnh vào kỷ nguyên mới.

Gia Lai - Ảnh 5.

Ông Hồ Quốc Dũng trao quyết định giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho lãnh đạo các xã phường của tỉnh Gia Lai mới ngày 3-7 - Ảnh: TẤN LỰC

* Trong các cuộc họp và những buổi làm việc vừa qua, ông nhiều lần nhắc đến việc xây dựng tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất, đồng thời sẵn sàng nhận lãnh vai trò làm trung tâm đoàn kết, điều hòa các hoạt động của các cơ quan trong tỉnh. Điều này ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của tỉnh mới?

- Việc xây dựng bộ máy mới tạo được sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng để cùng nhìn về tương lai một tỉnh Gia Lai mới là vấn đề trọng tâm, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển.

Sáp nhập tỉnh mới không đơn thuần chỉ là thay bảng tên, biển hiệu, địa chỉ giao dịch, trụ sở chính quyền, mà quan trọng nhất là thay đổi nhận thức trong toàn bộ đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

Phải làm sao để mọi cán bộ, người dân đều tự nhận thức rằng từ nay mình đã là công dân của tỉnh Gia Lai mới, cùng góp sức đóng góp cho quê hương mới. Phải phá vỡ những định kiến vùng miền, tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt miền biển, miền núi, "tỉnh anh" - "tỉnh tôi" để xây dựng thành một thể thống nhất.

Bây giờ đã về chung một nhà, phải nghĩ lớn, làm lớn, làm những việc có lợi cho sự phát triển của quê hương. Đây là vấn đề khó nhưng tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ tìm mọi giải pháp khắc phục.

Tôi cho rằng bên cạnh giải pháp của các cấp quản lý, đã tới lúc mỗi cán bộ, người dân mở rộng lòng mình, chào đón những điều mới mẻ trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước. Suy cho cùng, trên khắp dải đất này, vùng trời quê hương nào cũng là vùng trời Tổ quốc.

Sự phát triển của quốc gia, dân tộc rồi sẽ thấm đẫm tới từng nóc nhà, từng người dân. Trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, chúng ta không cho phép mình tụt lại!

Tỉnh Gia Lai mới đặt mục tiêu thu ngân sách 25.000 tỉ đồng

Sau khi nhập tỉnh, quy mô kinh tế tỉnh Gia Lai đạt 255.000 tỉ đồng, xếp thứ 18/34 tỉnh thành. Trong năm 2024 thu ngân sách tỉnh Bình Định đạt hơn 17.000 tỉ đồng, Gia Lai hơn 6.000 tỉ đồng. Năm 2025, tỉnh Gia Lai mới dự kiến thu ngân sách hơn 25.000 tỉ đồng.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Trung ương giao tỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, làm nền tảng cho giai đoạn 2026-2031 tăng trưởng 2 con số. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực để đạt được.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Nghĩ lớn, làm lớn, đưa Gia Lai vươn mình cùng đất nước- Ảnh 7.Sáp nhập Gia Lai - Bình Định: Sắp xếp bộ máy, công tác cán bộ phải đoàn kết, nhất trí

Theo bí thư Tỉnh ủy Bình Định, phương án sáp nhập hai tỉnh phải tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao và mang lại sức mạnh mới đưa tỉnh phát triển tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0