13/05/2025 12:02 GMT+7

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Philippines 2025: Căng thẳng và chia rẽ

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 12-5 tại Philippines là màn đối đầu căng thẳng giữa hai gia tộc quyền lực: Marcos và Duterte. Đây được xem là bước ngoặt định hình cục diện chính trị trước thềm bầu cử tổng thống năm 2028.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Philippines 2025: Căng thẳng và chia rẽ - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Mandaluyong, Metro Manila, Philippines ngày 9-5 - Ảnh: REUTERS

Từ 7h sáng, hàng triệu cử tri Philippines đã xếp hàng dài dưới cái nắng gay gắt để bỏ phiếu trong một kỳ bầu cử được đánh giá là phép thử lớn với chính quyền Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., cũng như với Phó tổng thống bị luận tội Sara Duterte.

Cuộc bầu cử đã trở thành tâm điểm chú ý quốc tế bởi nó diễn ra trong bối cảnh xung đột quyền lực chưa từng có giữa hai thế lực chính trị khổng lồ tại Philippines.

Thượng viện - chiến trường then chốt

Theo Hãng tin Reuters, hơn 18.000 vị trí được đưa ra bầu chọn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, từ thị trưởng, tỉnh trưởng đến các ghế tại Hạ viện.

Tuy nhiên tâm điểm vẫn là 12 ghế Thượng viện - nơi được cho là sẽ định hình lại cán cân quyền lực tại quốc gia 110 triệu dân, đồng thời ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2028.

Theo Đài BBC News, kết quả kiểm phiếu không chính thức ngày 12-5 cho thấy các đồng minh của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. gần như giành được một nửa số ghế Thượng viện nói trên.

Theo dữ liệu cập nhật sáng 13-5 từ Ủy ban Bầu cử Philippines (COMELEC), Thượng nghị sĩ Christopher "Bong" Go - trợ lý thân cận của ông Duterte - đang dẫn đầu với 68% số phiếu.

Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Bam Aquino - ứng viên đối lập từng bị đánh giá thấp trong các cuộc khảo sát - bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai với 62%.

Xếp thứ ba là cựu cảnh sát trưởng Ronald "Bato" dela Rosa (60%), tiếp theo là đồng minh của Tổng thống Marcos - ông Erwin Tulfo.

Top 12 còn có cựu thượng nghị sĩ đối lập Kiko Pangilinan, Thượng nghị sĩ Imee Marcos - em gái Tổng thống Marcos, và phát thanh viên Camille Villar - người có liên hệ với cả hai gia tộc Marcos và Duterte.

Đáng chú ý, phần lớn các ứng viên trong nhóm dẫn đầu đều đến từ các đảng đối lập.

Sự trỗi dậy này đang cản trở tham vọng kiểm soát Thượng viện của cả Tổng thống Marcos lẫn Phó tổng thống Sara Duterte.

Ông Duterte giành chiến thắng từ phòng giam

Theo Hãng tin Reuters, với 80% số phiếu được kiểm, cựu tổng thống Rodrigo Duterte - hiện đang bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) giam giữ vì các cáo buộc tội ác chống lại loài người - giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố quê nhà Davao, với số phiếu cao gấp 8 lần so với đối thủ gần nhất.

Đang bị giam giữ ở Hà Lan, cựu tổng thống Duterte vẫn thắng cử thị trưởng ở Philippines

Phó tổng thống Philippines Sara Duterte cho biết đã lên kế hoạch để đảm bảo cha mình chính thức trở thành thị trưởng với thời hạn thực hiện tới ngày 30-6: "Các luật sư ICC và luật sư Philippines đang thảo luận về cách để ông tuyên thệ nhậm chức với tư cách là người chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng tại thành phố Davao".

Không dừng lại ở đó, trong cuộc đua giành chức phó thị trưởng, con trai ông - Sebastian Duterte - cũng đang dẫn đầu với tỉ lệ phiếu rất cao, cho thấy gia tộc Duterte vẫn nắm giữ quyền lực đáng kể ở Davao.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Philippines 2025: Căng thẳng và chia rẽ - Ảnh 3.

Người dân tại quê nhà Davao, Philippines hô vang tên cựu tổng thống trong ngày sinh nhật ông - ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến quyền lực đúng nghĩa

Hai gia tộc Marcos - Duterte đã từng là liên minh, cùng nhau giành chiến thắng cuộc bầu cử năm 2022. Tuy nhiên liên minh này nhanh chóng tan rã.

Sự khác biệt về chính sách, những cuộc điều tra nhắm vào ông Rodrigo Duterte, và những bê bối liên quan đến thân tín của vị cựu tổng thống đã khiến ông Marcos và bà Duterte từ bạn thành thù.

Những căng thẳng âm ỉ kéo dài của hai gia tộc Marcos - Duterte đã công khai bùng nổ vào tháng 2-2025, khi Phó tổng thống Sara Duterte bị Hạ viện luận tội vì các cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng và âm mưu ám sát Tổng thống Marcos.

Phó tổng thống đã phủ nhận tất cả cáo buộc. Tuy nhiên với việc sắp phải đối mặt với phiên tòa luận tội, Phó tổng thống Sara Duterte cần ít nhất 9 trong 24 thượng nghị sĩ ủng hộ để ngăn chặn nguy cơ bị phế truất - yếu tố sống còn trong tham vọng tranh cử tổng thống năm 2028.

Sự kiện cha cô - cựu tổng thống Rodrigo Duterte - bị bắt và chuyển tới Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague đúng ngày khởi đầu chiến dịch tranh cử, cũng khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên đặc biệt căng thẳng.

Mặt khác, phía Tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. cũng đang tính đường dài khi hậu thuẫn một nhóm ứng viên tiềm năng, nhằm chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực thuận lợi, có thể là cho con trai ông - Sandro Marcos, theo Đài ABS-CBN (Philippines).

Hiện kết quả cuối cùng chưa ngã ngũ, nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai dòng họ Marcos và Duterte trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2025 được Phó tổng thống Sara Duterte nhận xét: "Trò chơi quyền lực chưa kết thúc, mà mới chỉ bắt đầu".

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Philippines 2025: Căng thẳng, chia rẽ và cuộc đối đầu định hình tương lai - Ảnh 2.Ông Duterte thắng cử thị trưởng ở Philippines dù đang bị giam tại Hà Lan, vẫn sẽ nhậm chức?

Kết quả sơ bộ cho thấy cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có số phiếu vượt xa đối thủ trong cuộc đua giành chức thị trưởng thành phố Davao, nhưng hiện chưa rõ ông sẽ nhậm chức này như thế nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0