
Thành viên lực lượng bán quân sự Ấn Độ đứng gác gần những cửa hàng đóng cửa tại thành phố Srinagar, thuộc lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ) ngày 8-5 - Ảnh: AFP
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã thề "báo thù cho từng giọt máu" sau cuộc tấn công của Ấn Độ. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Pakistan sẽ đáp trả bằng đòn tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Ấn Độ hay không.
Theo ông Sushant Singh - cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ và hiện là giảng viên tại Đại học Yale, phản ứng của Pakistan sẽ quyết định hướng đi của cuộc xung đột này.
Tìm kiếm lối thoát
Các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ leo thang đang gia tăng. "Nếu Pakistan tấn công vào bên trong bang Punjab hoặc bang Rajasthan thì đó sẽ là điều hoàn toàn điên rồ. Khi đó chúng ta đối mặt với một quy mô khác", ông Singh nhận định.
Mặc dù Pakistan tuyên bố để ngỏ mọi phương án, các nhà ngoại giao và chuyên gia vẫn hy vọng rằng những diễn biến ngày 7-5 có thể mở ra lối thoát, giúp hai bên tránh chiến tranh toàn diện.
Hy vọng này được củng cố khi có thông tin cho thấy các cuộc đối thoại hậu trường đã bắt đầu. Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar tiết lộ đã có "một số tương tác" giữa cố vấn an ninh quốc gia của hai nước kể từ cuộc đối đầu quân sự.
Những người lạc quan tin vào khả năng hạ nhiệt căng thẳng dựa trên một số dấu hiệu, trong đó có tuyên bố của Ấn Độ về cuộc tấn công.
Trong các phát ngôn chính thức và hoạt động ngoại giao, New Delhi nhấn mạnh rằng hành động của họ mang tính hạn chế, có mục tiêu rõ ràng và không nhằm leo thang.
Tính chất của cuộc tấn công - nhắm vào những địa điểm liên quan tới các tổ chức khủng bố - cũng có thể giúp chính quyền Thủ tướng Modi xoa dịu sự phẫn nộ của người dân Ấn Độ sau vụ tấn công khủng bố khiến 26 người chết ở Kashmir hồi tháng trước.
"Những hành động này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, không mang tính leo thang, tương xứng và có trách nhiệm", nhà ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri khẳng định.
Về phía Pakistan, các quan chức đang cố gắng tập trung vào câu chuyện "thắng lợi to lớn" khi bắn hạ các máy bay chiến đấu Ấn Độ. Họ tuyên bố đã bắn hạ tổng cộng 5 máy bay của Ấn Độ.
Trong trao đổi riêng với các nhà ngoại giao, giới quan chức Pakistan nhấn mạnh họ vẫn kiềm chế. Vào đêm 7-5, Pakistan thông báo không phận đã được mở trở lại, cho thấy tình hình đang dần trở lại bình thường.
Tính toán của hai bên
Theo các nhà phân tích và nhà ngoại giao, diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc liệu hai bên đã đạt được đủ những gì họ muốn để làm hài lòng người dân trong nước hay chưa và liệu nỗ lực ngoại giao quốc tế có đủ mạnh giữa lúc biến động toàn cầu hay không.
Ông Shashi Tharoor, thành viên Quốc hội Ấn Độ, cho rằng tính chất tàn bạo của cuộc tấn công khủng bố ở Kashmir hồi tháng trước đã khiến Chính phủ Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc có hành động quân sự, "vì nếu không, bọn khủng bố sẽ cảm thấy chúng có thể đến, giết chóc rồi bỏ đi mà không bị trừng phạt".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ấn Độ đã cân nhắc thận trọng phản ứng nhằm giảm thiểu nguy cơ leo thang.
"Tôi nghĩ hành động quân sự này đã được thực hiện theo cách nhằm truyền tải rất rõ ràng rằng chúng tôi không muốn coi đây là loạt đạn mở màn trong một cuộc chiến kéo dài mà chỉ là hành động một lần rồi thôi", ông Tharoor nói.
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức từ phía Ấn Độ về việc quân đội Pakistan đã bắn hạ các máy bay, ông Tharoor cho rằng: "Nếu thực sự Pakistan có thể bắn hạ một vài máy bay, họ hoàn toàn có thể lập luận rằng danh dự đã được bảo vệ".
Về phía Pakistan, dù cần thể hiện sức mạnh trước Ấn Độ, họ cũng có những lý do chính đáng để tránh leo thang thêm. Pakistan khó có thể chịu được một cuộc chiến kéo dài vào thời điểm kinh tế khó khăn nghiêm trọng.
Họ cũng đối mặt với bài toán phức tạp trong việc chọn mục tiêu tấn công bên trong lãnh thổ Ấn Độ khi ở đó không có các nhóm khủng bố tương đương để đáp trả.
Một phương án khác là tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ nhưng điều này có thể gây ra những cuộc trả đũa nghiêm trọng.
Vai trò của cộng đồng quốc tế
Tướng Muhammad Saeed (về hưu), từng là tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, cho rằng hai bên sẽ cần sự giúp đỡ của quốc tế để hạ nhiệt căng thẳng.
Mỹ và Trung Quốc đều đã kêu gọi hòa giải nhưng vẫn chưa rõ ai sẽ dẫn dắt các nỗ lực ngoại giao.
"Cộng đồng quốc tế phải hiểu rằng dù họ có bị phân tâm đến mức nào do chiến sự Ukraine hay vấn đề khác, đây vẫn là một cuộc khủng hoảng đang âm ỉ với những tác động to lớn. Nếu khu vực này rơi vào chiến tranh công khai mà không có khuôn khổ quản lý khủng hoảng nào, sự việc sẽ đi đến đâu?", ông Muhammad Saeed cảnh báo.
BÌNH LUẬN HAY