
Đàn thuyền tranh sẽ được đưa lên sân khấu GOm show - Ảnh: BTC
Sau hai đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 28 và 29-6, GOm show được mang vào TP.HCM và diễn ở Nhà hát TP.HCM vào ngày 19-7.
Theo nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn - đạo diễn và chỉ đạo hình ảnh của GOm show, việc đưa cả ê kíp hơn 30 người cùng hàng chục nhạc cụ gốm, đất... vào TP.HCM rất tốn kém. Nhưng cả ê kíp vẫn quyết làm vì ước mơ đưa dự án nghệ thuật này vào TP.HCM.
Khi chum, lu, niêu đất hóa nhạc cụ
GOm show là dự án nghệ thuật sáng tạo, lấy cảm hứng từ văn hóa gốm truyền thống Việt. Kết hợp giữa âm nhạc bản địa và hệ thống nhạc cụ chế tác từ gốm và các yếu tố tự nhiên như đất và nước, GOm show mở ra thế giới nơi những âm thanh bị giấu kín từ bao đời nay cất lên đầy sống động.
GOm show sử dụng thủ pháp ước lệ với người kể chuyện là chiếc bàn xoay gốm, những âm thanh giàu sức gợi từ nhạc cụ như chum, vại, niêu... Đêm diễn đưa khán giả qua 10 chương, kể lại những câu chuyện của đất, của người bằng tiếng nói truyền đời từ nhiều vùng miền.
Trailer của GOm show
Các chương từ Quay về, Thời đó, Xuôi dòng đến Tìm Hani, Gom... là tiếng nói riêng từ các dân tộc M'nông, Tày, Lô Lô, Nùng, Dín, Ê Đê, Hà Nhì... lấy chất liệu văn hóa để làm nên một "Việt Nam đa sắc, một hồn".
Nhóm tác giả Đàn Đó thành lập từ 12 năm trước với triết lý sáng tạo từ chất liệu bản địa. Nhóm từng làm những sân khấu xiếc, âm nhạc, kịch, jazz, thị giác... và nay là biểu diễn nhạc cụ từ gốm, đất, nước.
Sau nhiều năm làm việc với tre và đất, nhóm tìm đến chất liệu gốm, tạo ra những âm thanh độc đáo.
Các nhạc cụ đặc biệt bao gồm trống chum (với âm thanh siêu trầm), trống lãng, trống đất (nhạc cụ bộ dây), chiêng sành, chum chuông, đàn niêu (chế tác từ chiếc niêu đất dùng để nấu cơm), đàn thuyền (biến thể từ đàn tranh truyền thống)...


Khán giả khen ngợi show vì âm thanh, ánh sáng và các nghệ sĩ biểu diễn hết mình - Ảnh: BTC
GOm show: 15 năm cho một giấc mơ
Anh Nguyễn Quang Sự - giám đốc sáng tạo và giám tuyển không gian trình diễn của dự án - kể khi GOm show diễn ở Hà Nội, nhiều em bé và người lớn tuổi đã bày tỏ sự thích thú. Âm nhạc đích thực chạm đến nhiều lứa tuổi khác nhau.
Đinh Anh Tuấn bày tỏ: "Âm nhạc ở GOm show làm người ta rất thư giãn, cũng không hẳn là không giải trí. Chúng tôi khai thác âm nhạc dân gian nhưng theo cách mới mẻ, muốn tiếp cận các bạn trẻ quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật, chất liệu bản địa của Việt Nam mình.
Quá trình của chúng tôi không hẳn là một sớm một chiều. Nhóm Đàn Đó, các anh em chúng tôi đã nghiên cứu 15 năm, khai thác tất cả các nhạc cụ từ chất liệu bản địa. Tất cả nhạc cụ sáng tạo này không phải chỉ mất 6 tháng là có được".
"Chúng tôi rất mong muốn diễn ở TP.HCM - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn lý giải - Những chương trình như thế này có vị trí riêng của nó, đối tượng khán giả riêng từ khán giả quốc tế, người trẻ, trẻ em hay người già đều rất thích".
BÌNH LUẬN HAY