12/05/2025 12:44 GMT+7

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas

'Thành công rồi!' - chị Võ Thị Kim Cương reo lên khi mẻ bánh mì làm tại Nepal được nướng thành công sau hàng chục lần thất bại trước đó. Lần đầu tiên bánh mì chuẩn Việt Nam đặc ruột thơm ngon xuất hiện tại xứ sở dãy Himalayas hùng vĩ.

Himalayas - Ảnh 1.

Quán Phở 99 ở Đại Bảo tháp (Boudhanath) - Di sản văn hóa thế giới và điểm đến nổi tiếng nhất Kathmandu - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Vậy là sau 15 năm phát triển ẩm thực Việt Nam tại Nepal với chuỗi nhà hàng Phở 99, người phụ nữ này lại ra mắt được những ổ bánh mì Việt nóng giòn tại quốc gia sở hữu những đỉnh núi phủ tuyết tuyệt mỹ, nhiều di tích Phật giáo linh thiêng và nền văn hóa đặc sắc lâu đời.

"Đó luôn là giấc mơ của tôi: lan tỏa nền ẩm thực và hương vị Việt đến với người dân Nepal và du khách quốc tế đến nơi đây" - chị Kim Cương (sinh năm 1979) trải lòng.

Tôi muốn cảm ơn đất nước Nepal thân thương là nơi giúp lan tỏa ẩm thực Việt Nam. Tôi hy vọng tiếp tục mở tiệm bánh mì và phở Việt tại nhiều nơi, là nhịp cầu nối du lịch trải nghiệm giữa hai nước, cũng như tiếp tục làm công tác thiện nguyện.
Chị VÕ THỊ KIM CƯƠNG

Từ phở đến bánh mì Việt ở xứ núi thiêng

Nhiều năm trước, khi sang Nepal định cư, chị Kim Cương nhận thấy người Nepal rất ít biết đến Việt Nam. "Tôi muốn góp phần thay đổi điều đó và chọn ẩm thực làm sứ giả đến với Nepal" - chị kể và nhớ lại bao khó khăn khi mở quán ăn Việt đầu tiên tại đất nước Nepal từ năm 2010.

"Bấy giờ điều kiện còn rất thiếu thốn. Kathmandu thiếu nước sạch, cúp điện liên tục đến nỗi tôi phải dùng đèn cầy thắp sáng gian bếp để nấu nồi nước lèo bằng xương gà. Thậm chí bếp lò cũng thiếu củi đốt. Đi chợ tìm mua rau thơm, hành ngò, bún tươi, bánh tráng... rất hiếm hoi, ít ỏi" - chị Cương nhớ lại.

Những nỗ lực dần được đền bù, quán Sài Gòn Phở ở khu dân cư Lazimpat - nơi có nhiều đại sứ quán, trường học, cửa hiệu - thành điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách đến từ các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Bangladesh...

Dân địa phương vốn quen những món ăn cà ri cay nồng, đậm vị truyền thống cũng thích món phở Việt "nhẹ nhàng, thanh mát" hơn. "Món ăn Việt được ưa thích bởi có nhiều rau xanh, ít dầu mỡ và gia vị mặn, chế biến giản dị và lợi hơn cho sức khỏe" - chị Kim Cương nói.

Người phụ nữ Việt này chia sẻ thêm: "Tôi cũng có chục năm ấp ủ giấc mơ bán bánh mì tại Nepal, đến nay mới thành hiện thực. Trước đây có lần tôi trở về Việt Nam 3 tháng để thức dậy từ 4h sáng đi học nghề nướng bánh mì ở quận Bình Tân (TP.HCM). Tôi còn học quay thịt heo, làm vịt quay, xá xíu... và sang lại Nepal truyền nghề cho các thợ bếp bản xứ".

Dù vậy, quá trình nướng bánh mì Việt ở xứ người không dễ dàng. Chị Kim Cương cùng bác thợ bếp chính Dorje Lama (gần 60 tuổi, có kinh nghiệm nấu món Việt lâu năm) trải qua hàng chục lần làm bánh mì thất bại: khi thì bột nở không đều, lúc do cháy hoặc bánh ra không giòn.

Chị Cương kể: "Đến lúc tôi nản quá định bỏ cuộc thì mẻ bánh mì nướng cuối cùng lại... đạt. Thế là tôi rất vui mở ngay xe bánh mì Việt đầu tiên tại Nepal từ tháng 4-2025, đặt ngay trước mặt tiền quán Phở 99 ở Thamel (khu phố cổ sầm uất, tấp nập du khách bậc nhất Kathmandu - NV)".

Bác thợ nướng bánh Dorje Lama cũng hài lòng cho hay: "Bánh mì Việt nhẹ hơn bánh mì bình thường, lại rất giòn, ngon miệng".

Ổ bánh mì thuần Việt ở Nepal với đầy đủ pa tê làm từ gan, bơ phết từ trứng, cá mòi, thịt heo (luộc, quay), thịt gà, thịt nướng... kèm dưa leo, hành ngò tươi sống có giá từ 400 đến 500 rupee (khoảng 50.000 đồng VN).

Thực khách đến Phở 99 ở Thamel còn có thể ăn món bánh mì chảo nóng giòn có xúc xích, ốp la. Bước đầu hiện tại mỗi ngày bác Dorje nướng cả trăm ổ bánh mì phân bổ cho chuỗi nhà hàng Phở 99.

Mở rộng ẩm thực Việt sang Nepal

Sang Nepal, những người Việt như chúng tôi không khỏi hào hứng và tự hào khi đến quán Phở 99 rộng rãi ở Jhamsikhel hay quán Phở 99 khang trang ở ngay khu "đắc địa" Đại Bảo tháp (Boudhanath - một trong bảy Di sản văn hóa thế giới UNESCO của Nepal và là điểm đến nổi tiếng nhất thủ đô Kathmandu).

Himalayas - Ảnh 2.

Tiệm bánh mì và phở đậm bản sắc Việt Nam của chị Kim Cương ở Nepal - Ảnh: V.T.

Tại quán Phở 99 ở Jhamsikhel, bạn có thể ăn phở và đọc các tờ nhật báo miễn phí trong cảm giác rất thanh bình trong không gian nhà vườn nhiều hoa và cây xanh.

Còn ở quán Phở 99 Boudhanath, không gì tuyệt hơn khi bạn ngồi trên tầng cao nhâm nhi ly cà phê sữa đá pha kiểu Sài Gòn, qua ô cửa sổ hướng mắt nhìn ra ngôi tháp tròn lớn bậc nhất thế giới với nhiều dải cờ dây lungta năm màu bay phấp phới, dòng người hành hương tấp nập, cảm nhận sự tôn nghiêm và huyền diệu.

Còn Sài Gòn Phở Lazimpat hồi năm 2023 đã tái khai trương với tên mới Phở 99 chung nhận diện với chuỗi ẩm thực Việt của chị Kim Cương.

Quán có hệ thống trang trí đèn trần nón lá rất thuần Việt. Chuyên trang đánh giá như According 2 Pasang khen ngợi Phở 99 mang "authentic taste" (hương vị đích thực) hoàn hảo mà khách "cần thử ăn ít nhất một lần để không hối tiếc tại Kathmandu".

"Đó là những tình cảm thuộc loại "có tiền cũng không mua được" mà thực khách dành cho phở và ẩm thực Việt" - chị Kim Cương xúc động cho biết và nói đó chính là những động lực vô giá giúp chị gầy dựng, phát triển món ăn Việt nơi quốc gia vùng Nam Á còn nhiều khó khăn như Nepal.

Quán phở 99 cũng là nơi có những món Việt hiếm hoi quý giá nơi xứ người như bánh chưng, mắm chưng, chả lụa... phục vụ người Việt sống ở Nepal hay du khách Việt sang tu học, hành hương, leo núi... bỗng thèm hương vị quê nhà.

Giải thưởng phụ nữ châu Á

Không chỉ bền bỉ, chịu khó trong lĩnh vực kinh doanh xứ người, chị Kim Cương còn tâm huyết công tác xã hội, hoạt động từ thiện cộng đồng. "15 năm sống và làm dâu tại Nepal, tôi trải qua rất nhiều khó khăn cùng người dân địa phương - từ thiếu thốn tiện nghi vật chất cho đến đương đầu thảm họa thiên tai..." - chị kể.

Chị cùng những người Việt ít ỏi tại Nepal thường tổ chức các chuyến xe dán cờ đỏ sao vàng Việt Nam đi đến các khu dân cư nghèo khổ, những vùng hẻo lánh hoang vu để trao tặng thực phẩm, quần áo ấm, đồ dùng và cả nước sạch cho cộng đồng địa phương, người già neo đơn, người vô gia cư.

Người phụ nữ sinh ra ở Sài Gòn đã cùng bạn bè quyên góp xây dựng trường học và nhà cửa, tặng nhu yếu phẩm, gạo, dầu ăn cho người nghèo góp phần vào sự phục hồi của Nepal sau thảm họa động đất khiến hơn 10.000 người thương vong hồi tháng 4-2015 hay trong đại dịch COVID-19 năm 2021.

Tháng 10-2024, chị Kim Cương vinh dự được nhận Giải thưởng thành tựu dành cho phụ nữ châu Á có nhiều đóng góp cho đất nước và người dân Nepal. Lễ trao tặng diễn ra trang trọng tại thủ đô Kathmandu.

Anh Naveen Saru - chồng chị Kim Cương - tâm sự luôn ủng hộ bà xã nhân hậu làm từ thiện cũng như nỗ lực phát triển ẩm thực Việt tại Nepal. "Vì tôi rất thích ăn phở, bún bò Huế và bánh mì Sài Gòn" - anh Naveen vui vẻ nói.

Ra mắt Hội người Việt Nam tại Nepal

Năm 2025, Hội người Việt Nam tại Nepal chính thức thành lập và chị Võ Thị Kim Cương được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội.

Chị cho biết hiện Nepal có khoảng 150 người Việt đang sống, tu học, làm ăn buôn bán... Hơn 10 gia đình mẹ Việt - bố Nepal ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội và đã có con em sinh ra, lớn lên ở đây như gia đình chị Trương Thị Anh Đào, Lê Thị Nga...

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas - Ảnh 3.

Chị Kim Cương (bìa trái) nhận Giải thưởng phụ nữ châu Á có nhiều đóng góp cho Nepal năm 2024 - Ảnh: SARU

Năm 2025 đánh dấu 50 năm hai nước Việt Nam và Nepal thiết lập quan hệ ngoại giao (kể từ ngày 15-5-1975). Đại sứ Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao chuỗi cửa hàng Phở 99 của chị Kim Cương trở thành "một biểu tượng ẩm thực" và cầu nối giúp nhiều người dân Nepal biết đến Việt Nam hơn.

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas - Ảnh 4.Chuyên gia hiến kế để bánh mì Việt 'cưa đổ' cả thế giới

Để bánh mì Việt Nam vươn tầm mạnh mẽ hơn, cần có chiến lược bài bản từ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm tới mở rộng thị trường một cách bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0