14/05/2025 09:15 GMT+7

3 tháng 'giải lao' thương chiến Mỹ - Trung

Thỏa thuận tạm dừng thuế quan Mỹ - Trung mở ra cơ hội đàm phán song phương cho các quốc gia nhưng chưa đủ thời gian để giải quyết toàn diện các xung đột thương mại đang tồn tại.

thương chiến - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ đã khởi sắc sau thông tin "hưu chiến" Mỹ - Trung - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng chống chịu trước chiến thuật tạo khủng hoảng của Tổng thống Mỹ, buộc ông Trump phải chùn bước sau hơn một tháng áp thuế nhập khẩu lên đến ba con số. Thỏa thuận "giải lao" 90 ngày đạt được gần đây không đưa thuế quan về mức trước thương chiến, mà chỉ tạm giảm từ 145% xuống 30% đối với hàng Trung Quốc và từ 125% xuống 10% đối với hàng Mỹ, kèm lời hứa tiếp tục đàm phán.

Chiến thuật của ông Trump

Tổng thống Trump đã áp dụng chiến thuật tạo khủng hoảng để buộc các nước nhanh chóng nhượng bộ - cách tiếp cận đã thành công với Anh khi Mỹ đồng ý giảm thuế đối với xe hơi, nhôm, thép của London. Tuy nhiên, với Trung Quốc - nền kinh tế có sức mạnh tương đương, chiến thuật này đã không mang lại kết quả mong muốn.

Tuyên bố chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhấn mạnh "tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững, lâu dài và cùng có lợi". Điều này trái ngược với phát biểu trước đó của ông Trump rằng Mỹ "bị cướp bóc bởi các quốc gia gần xa" và Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn trong thương chiến.

Có vẻ như ông Trump đã bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của thị trường, viễn cảnh các kệ hàng tại Mỹ sớm trống rỗng khi số liệu cho thấy hàng hóa nhập vào Mỹ giảm mạnh cùng nguy cơ lạm phát trở lại. Mặc dù thuế quan gây tổn hại cho Trung Quốc, nhưng cũng tàn phá cả nền kinh tế Mỹ.

Ông Matthew Shay từ Liên đoàn Bán lẻ quốc gia gọi sự tạm dừng này là khoảng nghỉ ngắn hạn cho các doanh nghiệp đang đặt hàng cho dịp lễ cuối năm. Tuy nhiên, việc khởi động lại dòng chảy thương mại sẽ gặp khó khăn do thời gian cần thiết để vận chuyển sản phẩm bằng đường biển.

Hệ lụy toàn cầu

Kết quả của thương chiến Mỹ - Trung vẫn còn mơ hồ. Các chuyên gia cảnh báo 90 ngày là thời gian quá ngắn để đạt được tiến triển đáng kể trong danh sách dài các xung đột thương mại giữa hai nước, bao gồm thặng dư thương mại. 

Tờ New York Times dẫn lời bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á: "Các cuộc đàm phán tương tự thường mất hơn một năm". Ông Trump đã cảnh báo nếu hai nước không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày tới, thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc sẽ tăng lên "cao hơn đáng kể" dù không tới 145%.

Thỏa thuận Mỹ - Trung đã làm rõ thêm chiến lược của ông Trump. Tờ Asia Times bình luận: "Nó gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo thế giới đang xếp hàng vào Nhà Trắng rằng thị trường lao dốc sẽ thay đổi suy nghĩ của ông Trump ngay lập tức". 

Nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi: Liệu Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các quốc gia châu Á khác có thể vượt qua chính sách thuế của Mỹ như Trung Quốc hay không? Tuy nhiên, một điều chắc chắn là mọi thứ sẽ không trở lại như trước khi ông Trump nhậm chức. Ông đã tuyên bố rõ: "Chúng tôi có nhiều thỏa thuận sắp tới. Nhưng chúng tôi luôn có mức thuế cơ sở là 10%".

Các nước, đặc biệt là các nước châu Á, đang chịu áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc. Ngày 13-5, quan chức Nhật Bản cho biết nước này sẽ nghiên cứu kỹ thỏa thuận Mỹ - Trung và Mỹ - Anh để chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo với Washington.

Ông Rorry Daniels, giám đốc điều hành ASPI, đánh giá kết quả đàm phán Mỹ - Trung mở ra cơ hội cho các nước khác: "Vẫn còn quá sớm để nói rằng các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề khác nhau sẽ diễn ra như thế nào trong 90 ngày tới, nhưng một tiến trình giải quyết các mối quan ngại chung là bước đầu tiên tuyệt vời. 

Điều này cũng mang đến cho phần còn lại của thế giới cơ hội đàm phán các thỏa thuận của riêng họ với Mỹ mà không bị chỉ trích là chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh".

3 tháng "giải lao" thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 2.Mỹ - Trung hòa hoãn thương chiến

Sau hai ngày đàm phán liên tiếp (10 và 11-5), Trung Quốc và Mỹ đã ra tuyên bố chung về việc giảm mạnh thuế đối ứng áp lẫn nhau, cho thấy nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại đáng kể giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0