![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 1. Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/long-den-17392393846072127169042.jpg)
Tác phẩm đèn lồng Cổng rồng Đông A đón khách đến Lễ hội ánh sáng phương Đông - Ảnh: NAM TRẦN
Những ngày qua, Lễ hội ánh sáng phương Đông (kéo dài hết ngày 16-3, tại Hà Nội), mà điểm nhấn là cuộc thi và Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean 2025, thu hút lượng người du xuân đổ về check-in chưa từng có.
Quyền lực của những thần thú cổ đại
Ở sự kiện này, đơn vị tổ chức phối hợp với Tập đoàn Shanghai YuYuan Huadeng Culture And Creativity - một thành viên của Fosun International, đơn vị sở hữu Lễ hội Yuyuan Garden, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - đưa lễ hội về Việt Nam, kết hợp yếu tố bản địa để mang tới triển lãm Những sinh vật huyền bí phương Đông.
Trong đó, những kiệt tác đèn lồng đến từ Fosun được lấy cảm hứng từ Sơn Hải Kinh - tác phẩm cổ của Trung Quốc có niên đại hơn 2.000 năm.
Ở phía Việt Nam, những tác phẩm đèn lồng được lấy cảm hứng từ Lĩnh Nam Chích Quái - kiệt tác văn học trung đại của Việt Nam, ghi lại những truyện thần tích, thần phả từ thời Hồng Bàng đến đời Trần.
Những hình tượng thần linh, dị thú huyền bí, yêu thú cho đến những hình tượng quen thuộc trong văn hóa phương Đông khác như cá chép hóa rồng, bạch long, rùa vàng, mộc tinh... bước ra ngoài đời thật, làm nên kỳ quan ánh sáng đầy ảo diệu, rực rỡ, khiến không chỉ trẻ em mà người lớn cũng mê.
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/4757292281221201685526145602568268579407325616n-17392432313691881371451.jpg)
Tác phẩm Rắn hồng chơi xuân tại Ocean City
Tất cả đến từ những chiếc đèn lồng chứa trong đó cả một nền công nghiệp đang "trương nở", phát triển và mang lại tiền tươi thóc thật mà Việt Nam chưa thật sự nhập cuộc. Trong khi đó, Trung Quốc đã có cả một văn hóa đèn lồng nghìn năm tuổi.
Theo ông Seo Young Soo - chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Jinju Hàn Quốc, "hiện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghiệp văn hóa đèn lồng, xuất khẩu văn hóa đèn lồng ra thế giới".
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 3. Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/long-den-2-17392395156551885420737.jpg)
Tác phẩm Công chúa thủy cung tại Lễ hội Ánh sáng phương Đông - Ảnh: NAM TRẦN
Ra đời vào năm 1995 nhưng tới 2013 Lễ hội đèn lồng Yuyuan Garden ở vườn Dự Viên (Thượng Hải) đã thành sự kiện toàn cầu, thu hút khoảng 8 triệu du khách. Năm ngoái lễ hội thu hút khoảng 700.000 du khách trong mấy ngày Tết cổ truyền.
Giá trị kinh tế được "tăng cấp" khi UNESCO ghi danh lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đơn vị sở hữu đang đưa lễ hội đến với các nước khác trên thế giới, mở đầu là Pháp hồi năm ngoái, Việt Nam trong năm nay và đang có kế hoạch ở một số nước Đông Nam Á khác.
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/img9719-17392440973221190943392.jpg)
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/img9777-1739244119737535740255.jpg)
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 6.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/img9613-173924411972840307113.jpg)
Sắp đặt Thu vọng nguyệt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC
Đập tan định kiến về đèn lồng
Khi nhắc đèn lồng, ta hay nghĩ đến Trung Quốc nhưng không có nghĩa chỉ có Trung Quốc mới có văn hóa đèn lồng. Đây là nét văn hóa của phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Hiện ở Việt Nam có hai vùng "nổi" nhất về đèn lồng là Hội An và Tuyên Quang, song ta chưa phát huy hết thế mạnh của mình.
Vì thế, họa sĩ Lê Thiết Cương nhìn Lễ hội ánh sáng phương Đông như một gợi mở để phát triển thành một sản phẩm công nghiệp sáng tạo, mang lại giá trị kinh tế.
Tuy nhiên theo họa sĩ, muốn biến những chiếc đèn lồng thành sản phẩm công nghiệp thì phải dựa vào ba trụ cột chính: tận dụng toàn bộ truyền thống về đèn lồng của Việt Nam, phải kể câu chuyện của người Việt, giữ kỹ thuật và nguyên liệu của người Việt.
"Phải "đập tan" những định kiến về đèn lồng. Sao đèn lồng là phải tròn tròn, có tua rua?", Lê Thiết Cương nói với Tuổi Trẻ. Anh ví dụ Thu vọng nguyệt diễn ra năm 2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một dòng sông ánh sáng, được tạo nên từ hàng ngàn chiếc đèn lồng hình cá chép và hạt gạo.
"Ta giữ kỹ thuật và nguyên liệu truyền thống nhưng phải thay đổi tư duy thiết kế, áp dụng cả những kỹ thuật hiện đại. Phải biết nâng cấp sản phẩm đèn lồng của Việt Nam lên", Lê Thiết Cương nhận định.
Chẳng hạn tác phẩm sắp đặt Dòng sông bay của Lê Thiết Cương sử dụng nguyên liệu mây tre đan làng Phú Vinh nhưng đưa đèn neon LED đổi màu vào làm cho tác phẩm đầy chất truyền thống mà vẫn hiện đại chẳng kém.
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 7.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/464175805102218592179894378421186872742548670n-1739242912321124269338.jpg)
Từ trái qua: họa sĩ Lê Thiết Cương và ông Seo Young Soo
Nghĩ cách trẻ hóa
Ông Seo Young Soo trao đổi với Tuổi Trẻ một tư duy khác cũng cần phải thay đổi. Trước đây nhiều người nghĩ văn hóa - nghệ thuật không có khả năng sinh lợi nhưng không phải.
Ông ví dụ Lễ hội đèn lồng Seoul hay Yeon Deung Hoe - một trong những lễ hội truyền thống lâu đời và ý nghĩa nhất của Hàn Quốc - nay đã bắt đầu "hái quả". Năm ngoái sự kiện đã thu hút 3,28 triệu lượt khách, cao nhất từ trước tới nay.
"Hy vọng Việt Nam cũng có thể công nghiệp hóa những văn hóa này và mang lại lợi ích về kinh tế cho đất nước các bạn", ông nói.
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 8.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/65a116eea3105f211c85549e-1739243081728418887440.jpeg)
Những chiếc đèn lồng đầy màu sắc tô điểm cho vườn Dự Viên ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào Tết nguyên đán 2024 - Ảnh: CFP
Theo ông Seo Young Soo, việc tổ chức nhiều lễ hội đèn lồng cũng là một trong những việc có thể kích thích ngành này phát triển. Qua đó thu hút sự tham gia của các nghệ nhân, nâng cao tay nghề của nghệ nhân và quảng bá, giới thiệu, định vị sản phẩm trong lòng du khách.
Theo ông, trước đây văn hóa đèn lồng cũng không được nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đón nhận, song tình hình nay đã khác.
"Tại các lễ hội đèn lồng, chúng tôi chia các khu vực (zone) riêng cho từng độ tuổi, như zone gia đình, zone của giới trẻ.
Tại zone của giới trẻ thì tổ chức các chương trình âm nhạc mời các ca sĩ nổi tiếng hoặc DJ, kết hợp cùng với đó là trưng bày và giới thiệu tác phẩm để thu hút được nhiều bạn trẻ hơn", ông gợi ý.
![Những thần thú của công nghiệp sáng tạo - Ảnh 9.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/11/4767953449291078825398847216875708833792141n-1739243682255964598407.jpg)
Yeon Deung Hoe là một trong những lễ hội truyền thống có lịch sử của đất nước xứ sở Kim Chi
Các đơn vị thậm chí còn bố trí đèn lồng ở khu vực hồ nước, trưng bày đèn lồng của nhóm nhạc BTS và phát nhạc của họ, thu hút rất nhiều bạn trẻ tới tham quan.
Ở Lễ hội đèn lồng Yuyuan Garden, mỗi mùa lễ hội thường được gắn liền với hình ảnh 12 con giáp trong năm. Qua mỗi năm, những linh vật này biến tấu theo các chủ đề, gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới người dân và du khách. Đó cũng là cách làm hay
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận