20/04/2025 12:09 GMT+7

Nhà thơ Nguyễn Duy: Ta hành hương trên đất đai sum họp, nơi nào cũng có thân nhân

Với nhà thơ Nguyễn Duy, cách nhớ, cách nghĩ của ông về ngày hòa bình, về tháng 4-1975 là thực hiện chương trình đọc và diễn xướng thơ xuyên Việt với nhiều tác phẩm về tình đồng đội và thân phận con người trong chiến tranh và hậu chiến.

Nhà thơ Nguyễn Duy: Ta hành hương trên đất đai sum họp, nơi nào cũng có thân nhân - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Duy nhận hoa từ Chủ tịch Liên Hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM Nguyễn Trường Lưu và Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 20-4, tại hội trường Liên Hiệp các hội văn học nghệ thuật diễn ra chương trình đọc và diễn xướng thơ Nguyễn Duy nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều người tham dự cùng hòa vào những giai điệu ngâm qua những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy với khúc dạo đầu là bài Tre Việt Nam, rồi đến Tìm thân nhân, Ánh trăng, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Đứng lại, Đò lèn, Ông già Nam Bộ...

Nguyễn Duy có rất nhiều thân nhân

Tùy theo hoàn cảnh, số phận, cảm thức mà mỗi người Việt lại có cách nhớ về tháng 4-1975.

Với nhà thơ Nguyễn Duy, cách nhớ của ông là thực hiện chương trình đọc và ngâm thơ xuyên Việt từ những bài được chọn ra trong hàng trăm bài ông sáng tác sau ngày 30-4-1975 (trừ bài Tre Việt Nam viết trong các năm 1970 - 1972, in trong tập Cát trắng năm 1973).

Đó là những tâm tưởng, ký ức của ông về tình đồng đội, tình bạn, tình yêu và thân phận con người trong thời chiến tranh và hậu chiến, về niềm lạc quan cần nhiều thử thách hay niềm hy vọng lúc đầy lúc vơi.

Xuyên suốt chương trình, nhiều người yêu thơ xúc động với những bài thơ viết về chiến tranh và thân phận con người của Nguyễn Duy được chính ông đọc và kể thêm những ký ức sáng tác gắn liền. Đó là Tìm thân nhân, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Đò lèn, Đứng lại...

Nhà thơ Nguyễn Duy xúc động đọc bài thơ Tìm thân nhân - Video: HỒ LAM

Tìm thân nhân bài thơ đầu tiên Nguyễn Duy sáng tác ở miền Nam vào tháng 10-1975 có đoạn:

"Hai mươi mốt năm dài / Không có ai ngồi chờ đợi ai / Không có ai ngồi nhớ mong hoài / Nam đi tìm Bắc / Bắc đi tìm Nam / Tìm nhau dưới bể / Tìm nhau trên ngàn / Tìm nhau trong mỗi việc mình làm/... Ơi ai không gặp thân nhân /

Xin tới cùng tôi trong mái nhà ấm áp / Cùng tôi hát lên lời ca này / điều lớn lao còn lại hôm nay/ Là nguyên vẹn / Nhân Dân / Tổ quốc / Ta hành hương trên đất đai sum họp / nơi nào cũng có thân nhân".

Từ một sĩ quan Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc vào tiếp quản thành phố, nhà thơ Nguyễn Duy rẽ sang con đường làm cán bộ ngành văn hóa văn nghệ, sáng tác thơ ca vì một cái duyên tình cờ.

"Tôi vào Nam được các anh em ở báo Văn nghệ giải phóng đón tiếp rất thân tình. Lúc ấy, ông Trần Bạch Đằng, ông Hoài Vũ, ông Sơn Nam bảo: "Cậu vào đây làm báo với bọn tôi cho vui!".

Mười năm lặn lội khắp mặt trận phía Bắc, Nam, biên giới, tôi mới đồng ý xin ra quân và xin Bộ Tư lệnh Thông tin về báo Văn nghệ giải phóng. Về đây, tôi làm biên tập thơ và nhiều nhà thơ trẻ ở TP.HCM đã đi qua bàn biên tập của tôi mà trưởng thành như: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Trọng Tín...

Với những ân tình tôi nhận được từ những người bạn miền Nam, tôi bỗng tự thấy mình cũng trở thành một người có nhiều thân nhân ở xứ sở này" - nhà thơ Nguyễn Duy bồi hồi nhớ lại.

Ngâm thơ Tre Việt Nam với giọng ngâm Phan Thanh Vân qua tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng - Video: HỒ LAM

Thơ Nguyễn Duy trải dài từ chiến tranh đến hòa bình

Chủ tịch Liên Hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM Nguyễn Trường Lưu chia sẻ khi bước vào hội trường chương trình đọc và diễn xướng thơ của Nguyễn Duy, ông cảm thấy như "thơ của ngày xưa đã trở về".

"Hành trình thơ Nguyễn Duy trải dài từ chiến tranh đến hòa bình. Trong khói lửa đạn bom, giai đoạn đổi mới, trong hội nhập quốc tế, thơ ông đã lên tiếng. 

Thơ ông bắc nhịp cầu kết nối giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người, không hoang mang, không oán trách, không hận thù" - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân cảm nhận.

Theo bà Bích Ngân, ngoài hàng trăm bài thơ ngắn, nhà thơ Nguyễn Duy còn được nhiều người biết đến với ba bài thơ dài: Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Đây là ba tác phẩm cho thấy sức nghĩ và sức viết của ông luôn khao khát vượt khỏi những giới hạn chật chội của vần điệu phổ biến, làm cho thi ca mở rộng biên độ thẩm mỹ tiếp nhận và tương tác trực diện với đời sống, xã hội và thời đại không ngừng đổi mới.

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chương trình đọc và diễn xướng thơ Nguyễn Duy từ ngày 20-4 đến cuối tháng 4.

Các địa phương nhà thơ dự kiến sẽ đọc thơ gồm có: TP.HCM, Hà Nội, Huế, Thanh Hóa và Nha Trang. Mỗi chương trình dự định có thời lượng từ 120 phút, số lượng bài thơ tùy thuộc vào thời lượng thực tế ở mỗi địa điểm.

Nhà thơ Nguyễn Duy đọc và diễn xướng thơ để nghĩ về chiến tranh và thân phận con người - Ảnh 2.Nhà thơ Nguyễn Duy và thông điệp Rác thiên đường

'Em đi nhặt rác bên sông, thấy em đổ bóng mà lòng ta đau/ Hỏi rằng rác xả từ đâu? Dạ thưa rác tự trong đầu xả ra... Em đi làm đẹp quê nhà, đẹp từ ngọn cỏ đẹp qua bóng người/ Hương giang lóng lánh ánh cười, rác thiên đường: cọng lá rơi trên đường...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên