13/05/2025 13:35 GMT+7

Nghề quét rác thu nhập trên 1 tỉ đồng mỗi năm vẫn bị chê

Theo Forbes, nhiều công việc từng không được xã hội ưa chuộng lại có mức thu nhập rất cạnh tranh và bảo đảm việc làm ổn định trong bối cảnh thị trường lao động đầy bất ổn.

Nghề quét rác thu nhập trên 1 tỉ đồng mỗi năm vẫn bị chê - Ảnh 1.

Công nhân vệ sinh ở thành phố New York (Mỹ) có mức lương khởi điểm khoảng 44.821 USD/năm (khoảng 1,1 tỉ đồng) - Ảnh: FREEPIK

Lối suy nghĩ "học đại học và làm văn phòng mới là điều cao quý" tại Mỹ đang dần thay đổi. Những công việc vốn bị xem là vất vả, nặng nhọc giờ đây lại nổi lên như một hiện tượng nhờ mức thu nhập khá khẩm và ít rủi ro bị đuổi việc, tạp chí Forbes cho biết.

Nghề cực nhọc nhưng thu nhập cao

Forbes nhận định, nghề vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, làm trong lò mổ, và làm việc trên giàn khoan dầu là những công việc mà cả người có bằng lẫn không có bằng đại học đều thường né tránh.

Tuy nhiên với công việc quét và thu gom rác, công nhân vệ sinh ở thành phố New York có mức lương khởi điểm khoảng 44.821 USD/năm (khoảng 1,1 tỉ đồng) và có thể tăng lên 92.093 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng) sau 5,5 năm, chưa kể làm thêm giờ và các phúc lợi khác.

Trong khi đó, công nhân lò mổ phải sử dụng dao sắc, thao tác lặp đi lặp lại và tiếp xúc với máu, xác động vật và nhiệt độ lạnh trong nhà máy để giết mổ, sơ chế và đóng gói gia súc, sản xuất thực phẩm.

Tính chất khủng khiếp, tỉ lệ chấn thương cao như bị cắt, trượt ngã và căng cơ, cùng các vấn đề đạo đức về đối xử với động vật khiến công việc này ít được để mắt tới.

Ngành này chủ yếu dựa vào lao động nhập cư, không hấp dẫn đối với người bản xứ tại Mỹ.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), mức lương trung bình năm 2024 cho công nhân giết mổ và đóng gói thịt là 39.700 USD (khoảng 1 tỉ đồng). Thợ mổ lành nghề hoặc giám sát viên tại các nhà máy lớn có thể kiếm từ 50.000 - 70.000 USD (khoảng 1,3 - 1,8 tỉ đồng), chưa kể làm thêm giờ.

Với công nhân giàn khoan, ca làm việc có thể kéo dài hàng chục tiếng tại các giàn khoan dầu trên biển hoặc đất liền, thường xuyên phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và các rủi ro an toàn lao động.

Lĩnh vực khai thác dầu khí có tỉ lệ tử vong cao gấp 7 lần mức trung bình quốc gia của Mỹ - một trong những công việc có tỉ lệ tử vong cao nhất. Tuy nhiên một công nhân dàn khoan lành nghề có thể nhận đến 166.500 USD (khoảng 4,3 tỉ đồng) cùng các khoản thưởng.

Định kiến thiếu công bằng của xã hội

Theo Forbes, mọi người thường có xu hướng chúc mừng người có bằng cấp và tìm được công việc văn phòng, nhưng lại xem nhẹ những người lao động thầm lặng đang góp phần giữ cho xã hội vận hành ổn định.

Có nhiều yếu tố khiến các công việc trên bị chê bai, như lao động cực nhọc, rủi ro sức khỏe và điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Từ mùi rác, nguy hiểm từ nước thải, cảnh máu me trong lò mổ đến rủi ro chết người ở giàn khoan - tất cả đều khiến người ta tránh xa nếu còn lựa chọn khác. Xã hội thường đánh giá đây là các "công việc dơ bẩn", gán cho chúng địa vị thấp kém.

Người có bằng đại học càng xem những công việc này là thấp kém so với trình độ của mình. Họ thà gánh khoản nợ học phí, chạy vạy nộp đơn xin việc ở các văn phòng lớn, còn hơn khoác lên mình những bộ áo của công nhân vệ sinh hay xử lý nước thải. Góc nhìn này thể hiện những "điểm mù" của xã hội và thậm chí là sự thiếu công bằng dành cho các ngành nghề.

Người dẫn chương trình người Mỹ Mike Rowe từng nhấn mạnh việc cần "tái định nghĩa" các công việc chân tay: tôn vinh mức lương, quyền lợi và tầm ảnh hưởng xã hội của các nghề này. Ví dụ, thay vì gọi là "người xử lý nước thải", hãy gọi họ là "người bảo vệ môi trường".

Tuy nhiên gần đây những công việc vất vả này cũng đối mặt với thách thức mới. AI, xe rác tự động và robot trong lò mổ đang dần thay thế sức lao động con người, đòi hỏi việc nâng cấp kỹ năng để giữ vững vị trí.

Nghề quét rác thu nhập trên 1 tỉ đồng mỗi năm - Ảnh 3.Thu nhập 175 triệu/tháng nhưng sau 10 năm tiết kiệm được... 2 tháng lương

Một phụ nữ 35 tuổi có thu nhập cao, 175 triệu đồng/tháng tại Bắc Kinh sau hơn 10 năm lập nghiệp chỉ để dành được 350 triệu vì đã tốn quá nhiều tiền cho phẫu thuật thẩm mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên