Mỹ sa thải nhân viên đang cứu trợ động đất ở Myanmar

Ba nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nhận email sa thải khi đang hoạt động cứu trợ động đất tại Myanmar, đặt ra nghi vấn về cam kết hỗ trợ nhân đạo trước đó của Mỹ.

Mỹ sa thải nhân viên đang cứu trợ động đất ở Myanmar - Ảnh 1.

Lá cờ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tung bay trước trụ sở cơ quan tại Washington D.C, khi tòa nhà này tạm thời đóng cửa và không đón nhân viên vào làm việc - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times ngày 5-4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải những nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) được cử đến Myanmar để đánh giá hỗ trợ công tác cứu trợ sau trận động đất.

Động thái này không chỉ khiến cộng đồng viện trợ quốc tế bàng hoàng, mà còn làm dấy lên nghi ngờ về cam kết hỗ trợ nhân đạo của Mỹ trong bối cảnh USAID đang bị giải thể.

Cụ thể, ngày 6-4, ba nhân viên USAID nhận được email chấm dứt hợp đồng chỉ vài ngày sau khi đặt chân tới thành phố Mandalay, Myanmar để cứu trợ động đất.

Theo các quan chức USAID hiện tại và cựu nhân viên, vụ việc khiến nhiều người trong ngành bức xúc và cho rằng đây là hành động tàn nhẫn, đặc biệt khi những người bị sa thải đang trực tiếp làm việc ở tuyến đầu cứu trợ.

Trận động đất xảy ra tại Myanmar vào ngày 28-3 đã khiến hơn 3.400 người thiệt mạng, hơn 4.600 người bị thương và 214 người mất tích, theo thống kê của Chính phủ Myanmar.

Trong khi nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thái Lan và Việt Nam nhanh chóng cử đội cứu trợ và hàng hóa đến hiện trường, thì Mỹ chỉ cử một nhóm ba người đến khảo sát và hỗ trợ.

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar sau đó cam kết viện trợ tối đa 2 triệu USD - con số bị đánh giá là quá thấp so với khả năng của một cường quốc và nhỏ hơn nhiều so với tổng cam kết 20 triệu USD mà Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã cùng nhau cam kết.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người đang dẫn dắt quá trình cắt giảm viện trợ quốc tế, khẳng định Mỹ vẫn “có mặt tại Myanmar” và viện dẫn sự hiện diện của nhóm khảo sát để chứng minh cam kết nhân đạo. Tuy nhiên hành động sa thải nhân viên ngay tại hiện trường khiến cam kết đó trở nên mâu thuẫn và khó thuyết phục.

Ông Rubio cũng cho rằng các quốc gia lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ cần chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ nhân đạo toàn cầu khi Mỹ thu hẹp vai trò của mình.

Kể từ cuối tháng 1, chính quyền ông Trump đã có hàng loạt động thái nhằm giải thể USAID - cơ quan đầu tàu của Mỹ trong các nỗ lực viện trợ nước ngoài - bao gồm cắt giảm 83% chương trình, chấm dứt hàng ngàn hợp đồng và sa thải hàng loạt nhân viên.

Tâm lý hoang mang và bất ổn càng lan rộng trong nội bộ Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID, nhất là khi những nhân sự thân cận với ông Trump như ông Lew Olowski - một người thiếu kinh nghiệm quản lý - được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt, khiến Hiệp hội Ngoại giao Mỹ phản đối kịch liệt.

Chính quyền ông Trump sa thải nhân viên cứu trợ động đất Myanmar, gây tranh cãi về cam kết nhân đạo - Ảnh 3.Ông Trump nói Mỹ sẽ giúp đỡ Myanmar sau động đất, USAID sẵn sàng cứu trợ

Trận động đất 7,7 độ ở Myanmar diễn ra trong bối cảnh được cho là không thể tồi tệ hơn, khi Myanmar cần nhiều viện trợ trong khi chính quyền ông Trump đang cắt giảm viện trợ nước ngoài của Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên