![Mục đồng thời nay - Ảnh 1. Mục đồng thời nay - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/md-1-qm-read-only-1739201375911411990574.jpg)
Phụ nữ cũng lội ruộng chăn đàn trâu hơn 100 con ở Mộc Hóa (Long An) - Ảnh: QUỐC MINH
Nhìn có vẻ khá nhàn tản, nhưng họ nói: "Vẫn phải lội ruộng cực nứt kẽ chân. Có người mua máy bay không người lái để đi chăn trâu. Tụi tui dành đủ tiền cũng mua một cái bay cho đỡ mệt".
1 Cậu mục đồng Đặng Văn Vỹ (15 tuổi, ở xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, Long An) đang chăn đàn trâu trắng lẫn trâu đen gần 100 con ở trảng cỏ giáp biên giới Campuchia. Thấy tôi chụp hình, cậu cứ hỏi có xài máy bay không người lái chụp hình không để "dạy em làm phi công với".
![Mục đồng thời nay - Ảnh 2. Mục đồng thời nay - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/a1-1739250117672928117671.jpg)
Cô gái này chỉ cần cái roi nhỏ xíu là đã có thể chăn được đàn trâu hơn 100 con - Ảnh: QUỐC MINH
Cậu nói khi nào đủ tiền sẽ mua một cái để đi... chăn trâu cho đỡ cực. Nghe tôi nói lỡ máy bay bị rớt hư thì tiền công chăn trâu cả năm chưa chắc mua lại nổi, cậu bé cười toe toét: "Cũng đáng mà".
Khác hẳn hình dung của tôi về những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu với một hai con thơ thẩn gặm cỏ đồng, mục đồng vùng biên giới này chăn ít nhất cũng năm bảy chục con, nhiều người còn chăn đến một vài trăm con. Nghe hỏi nhiều trâu vậy không sợ bị lẫn lộn bầy khác, họ cười trả lời "mần nghề chăn trâu mà bị lạc bầy thì dở ẹc".
![Mục đồng thời nay - Ảnh 2. Mục đồng thời nay - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/md-4-qm-read-only-17392013759061401708634.jpg)
Mẹ con cậu bé Vỹ chăn trâu ở biên giới đang cùng ăn trưa
Nhiều dân ở vùng biên giới này tự hào dày dặn kinh nghiệm chăn trâu truyền đời. Thời ông bà họ xưa còn nghèo thì chăn đàn trâu gia đình một vài con. Những người nghèo hơn nữa thì đi chăn trâu mướn quanh năm cho nhà ai đó và cũng chỉ tầm 5, 10 con là nhiều.
Thường chủ trâu chỉ nuôi cơm, kiểu sáng nén cơm vô cái lon mang theo ăn sau lưng trâu, cuối năm trả công thêm vài giạ lúa và may cho một, hai bộ đồ mới.
![Mục đồng thời nay - Ảnh 4. Mục đồng thời nay - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/a3-1739250117679322657959.jpg)
Gom phân trâu phơi khô để bán là nguồn thu nhập thêm của mục đồng thời nay - Ảnh: QUỐC MINH
Thời nay, nghề mục đồng đỡ hơn hẳn. Nhiều người được trả công theo ngày, cứ 10.000 - 15.000 đồng mỗi con. Người nào chăn đàn 100 con thì được 1.000.000 - 1.500.000 mỗi ngày, cộng thêm tiền thưởng khi chủ "xổ bầy" nếu không bị lạc mất con nào.
Những người chăn trâu quanh năm có thể lãnh lương mức tối thiểu như cậu bé Đặng Văn Vỹ mới 15 tuổi cũng được 6.000.000 - 8.000.000 đồng mỗi tháng tùy số lượng đàn trâu bao con. Mẹ Vỹ ngoài làm ruộng cũng phụ con chăn thêm đàn trâu, họ có thu nhập thêm ổn định hơn hẳn người làm mướn phải ngóng ai kêu gì làm nấy.
![Mục đồng thời nay - Ảnh 3. Mục đồng thời nay - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/md-2-qm-read-only-17392013759091350267076.jpg)
Anh Hừng dùng ná bắn vào mông con nghé để nhắc nó trở lại bầy
2 Gần bên đàn trâu của mẹ con Vỹ, anh Đặng Quốc Hừng cũng đang trông đàn trâu hơn 100 con, trong đó có 7 con của riêng anh. Người đàn ông 37 tuổi này là người có tay nghề và uy tín ở vùng biên giới Long An trong nghề chăn trâu. Nhiều chủ trâu tin giao cho anh chăn để yên tâm con nào cũng béo núng nính và hiếm con bị lạc mất.
"Tụi tui làm nghề này có mấy việc phải biết, thứ nhứt là rành rẽ đồng cỏ để trâu ăn mập mạp. Mùa nước thì trảng cỏ này đủ ăn thoải mái, mùa khô thì lại dẫn đi ăn đồng cỏ khác. Không lo được chuyện quan trọng nhứt này, trâu bị ốm thì mình hết được ai mướn chăn.
![Mục đồng thời nay - Ảnh 6. Mục đồng thời nay - Ảnh 6.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/a2-1739250117676243547881.jpg)
Phút nghỉ trưa bên đồng - Ảnh: QUỐC MINH
Thứ hai là nhìn tụi tui chơi chơi vậy chứ vẫn phải theo sát đàn trâu. Đây giáp biên giới Campuchia, mình không để ý, trâu lạc qua bển là phải tốn tiền chuộc về, một con ít nhứt cũng 500.000 đồng", anh Hừng nói.
Người đàn ông nhiều năm bạc mặt trên ruộng đồng này còn kể: "Miệt này đất lúa, tụi tui phải bảo đảm giữ đàn trâu ăn cỏ no bụng nhưng không phá lúa bà con. Lơ mắt một chút là đàn trâu trăm con ăn nát cả công lúa của bà con chứ chẳng chơi".
![Mục đồng thời nay - Ảnh 4. Mục đồng thời nay - Ảnh 7.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/md-5-qm-read-only-1739201375902355122313.jpg)
Những con trâu béo núng nính nhờ được nuôi tốt, đủ cỏ ăn
Ngoài tiền chủ trâu trả công, các mục đồng hiện nay còn có thêm nguồn thu ổn định từ gom phân trâu khô. Loại phân hữu cơ này lúc nào cũng hút người mua, nếu dân chăn trâu siêng năng gom bán thì có thể nguồn thu nhập còn cao hơn tiền công.
![Mục đồng thời nay - Ảnh 8. Mục đồng thời nay - Ảnh 8.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/a4-1739250117682210387482.jpg)
Chiếc chòi tạm của người chăn trâu giữa đồng - Ảnh: QUỐC MINH
Anh Hừng vừa tâm sự vừa giương ná... bắn vào mông con nghé mê chơi định rẽ bầy. Thấy chú trâu nhỏ đã ngoan ngoãn trở lại, anh lại lướt điện thoại, một mắt coi TikTok, một mắt ngó chừng đàn trâu đang lao nhao đen đặc cả trảng cỏ biên giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận