Không biết làm sao tạo được cho con thói quen viết nhật ký đều đặn?” - đó là lời tâm sự của chị Hoài An (Q.2, TP.HCM) mong muốn cùng mọi người chia sẻ.
Việc tập cho trẻ thói quen viết nhật ký để trẻ ghi lại một cách sinh động, chân thực những sinh hoạt diễn ra hằng ngày của bản thân. Viết nhật ký không phải là việc đơn giản như nhiều người nghĩ vì đòi hỏi sự tập trung, kiên trì và vốn từ khá phong phú.
Do đó, không phải bé nào cũng thích thú với việc viết nhật ký. Qua các trang nhật ký bé có thể bày tỏ nỗi lòng, tâm nguyện khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, những điều chưa hài lòng mà chưa biết chia sẻ cùng ai.
Bé có thể thoải mái dốc bầu tâm sự, do đó có thể phần nào giải tỏa được những căng thẳng, bức xúc để tập trung tư tưởng, tinh thần cho việc học tập và tham gia các hoạt động một cách hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy khi bực bội hoặc tức giận ai đó hoặc về vấn đề nào đó, nếu viết ra được những cung bậc cảm xúc này thì cảm xúc tiêu cực đó cũng sẽ vơi đi.
Thường xuyên viết nhật ký cũng giúp bé bồi dưỡng năng lực quan sát, kỹ năng diễn đạt câu, giúp bé cách xem xét, đánh giá vấn đề. Đồng thời cũng là cách tốt để bé chủ động tích cực thu thập tư liệu và tích lũy kiến thức, kích thích bé khám phá, tìm tòi chuyện hay để thể hiện trên trang nhật ký.
Phụ huynh có thể hướng dẫn con trẻ viết nhật ký qua những giải pháp sau:
- Cho trẻ cơ hội trải nghiệm thâm nhập cuộc sống: tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc rộng rãi ngoài xã hội để mở rộng tầm nhìn, tăng vốn kinh nghiệm, nâng cao kiến thức. Chẳng hạn như thường xuyên cho trẻ tham quan các bảo tàng hoặc đến các khu vui chơi giải trí, đến thăm trại trẻ mồ côi, đi làm việc thiện...
Trẻ được nhìn nhiều, nghe nhiều, cảm nhận nhiều từ cuộc sống sẽ có nhiều vốn để viết, những điều trong nhật ký càng sinh động, phong phú.
- Đôn đốc trẻ viết đều đặn theo giờ quy định: bé con thường thiếu kiên trì, lại mải mê với những trò chơi hấp dẫn, hay vì muốn đi ngủ, thiếu “cảm hứng” nên có những ngày trẻ chưa muốn viết nhật ký, hoặc trẻ cho rằng “để mai viết cũng được”.
Thế rồi, “mai dài hơn mốt (ngày kia)” khiến trẻ quên dần việc viết nhật ký của mình. Trong trường hợp đó, cha mẹ cần nhẹ nhàng mà dứt khoát yêu cầu trẻ chú ý luyện tập thói quen tốt này.
- Tôn trọng quyền tự do, khoảng trời riêng tư của trẻ: trẻ con rất cần một khoảng trời riêng, một không gian cá nhân, các bậc phụ huynh cần hết sức tâm lý tế nhị, tôn trọng sự tự do “khoảng trời riêng” của chúng. Điều các bậc cha mẹ hết sức lưu ý đó là không nên xâm phạm vào khoảng riêng tư của trẻ.
Nếu cha mẹ không tôn trọng quyền tự do cá nhân của con, xem trộm nhật ký của các bé hay can thiệp quá sâu vào việc bé nên viết thế này thế kia, điều đó có thể khiến trẻ bức xúc, phản ứng rất mãnh liệt, trẻ mất hứng thú với việc viết nhật ký, hoặc có thể viết nhưng chỉ đối phó.
- Kích thích bé đọc nhiều loại sách khác nhau: sách là nguồn cung cấp tư liệu hết sức sinh động. Đọc sách giúp trẻ tích lũy được kiến thức, làm giàu vốn sống, vốn từ ngữ và ngữ pháp giúp trẻ rèn được cách diễn đạt trôi chảy, phong phú. Đọc sách còn giúp trẻ có những ý tưởng lý thú để viết nhật ký hằng ngày, để diễn tả những câu chuyện bé từng trải nghiệm.
Lợi ích của viết nhật ký là giúp bé nâng cao năng lực sử dụng và diễn đạt bằng ngôn ngữ viết mọi vấn đề diễn ra trong cuộc sống. Viết nhật ký cần được luyện thành thói quen. Trước hết là thói quen trình bày bằng chữ viết những suy nghĩ, việc làm của mình trong ngày. Đồng thời, khi viết nhật ký bé phải cân nhắc cẩn thận, trau chuốt việc dùng câu từ thế nào để diễn đạt chính xác và khoa học những điều suy nghĩ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận