Bà Nguyễn Thị Liên đi khiếu nại khắp nơi để đòi lại căn nhà - Ảnh: TUYẾT MAI
Hệ quả của vụ án đến nay vẫn không thể giải quyết được do căn nhà đã bán qua nhiều chủ.
Gần 10 năm tranh chấp tài sản
Ông Mai Đức Bình và bà Nguyễn Thị Liên kết hôn năm 1981, có hai con chung. Do phát sinh mâu thuẫn nên năm 2008 ông Bình có đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung gồm nhà đất số 242/1A P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có diện tích 245m2 và mảnh đất có diện tích 38,9m2 ở P.Bình An, thị xã Dĩ An, trên đất có hai kiôt.
Tại các phiên tòa, bà Liên đều cho rằng bà và ông Bình đã sống ly thân từ lâu. Năm 1992 ông bà đã chia tài sản chung, nên số tài sản nêu trên là tài sản riêng do bà tạo lập và không đồng ý chia.
Tháng 11-2008, xử sơ thẩm lần 1, TAND huyện Dĩ An tuyên chia đôi, giao cho ông Bình nhà đất số 242/1A và "thối" tiền chênh lệch cho bà Liên, còn bà Liên nhận mảnh đất 38,9m2 trên đất có hai kiôt. Không đồng ý, bà Liên kháng cáo.
Xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương sửa án sơ thẩm do áp dụng sai điều luật nhưng các nội dung bản án sơ thẩm vẫn giữ nguyên.
Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Bình đã bán một phần nhà đất số 242/1A cho bà Trần Hồ Diễm Ngân. Sau đó, bà Ngân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Sau này, bà Ngân đã bán lại cho vợ chồng ông Trần A Lập.
Tuy nhiên, đến tháng 9-2012, TAND tối cao giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Dĩ An và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương để xét xử lại vì cho rằng bà Liên không có chỗ ở nhưng tòa án chỉ chia cho bà Liên diện tích kiôt và nhận giá trị chênh lệch là không thỏa đáng, gây thiệt thòi quyền lợi của bà Liên.
Sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Dĩ An xử chia đôi tài sản, giao cho bà Liên 1/2 nhà đất số 242/1A và tài sản khác. Tương tự, ông Bình nhận 1/2 nhà đất số 242/1A (ông Bình đã bán cho bà Ngân), mảnh đất 38,9m2 trên đất có hai kiôt và tài sản khác. Ông Bình và bà Liên cùng kháng cáo.
Xét xử phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Bình Dương cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nên đã hủy án sơ thẩm, giao cho TAND thị xã Dĩ An xét xử lại. Đến đầu năm 2014, khi xét xử sơ thẩm lần 3, ông Bình rút đơn kiện, vụ án được đình chỉ.
Sau đó bà Liên tiếp tục khởi kiện nhiều vụ án, yêu cầu tòa án công nhận số tài sản trên là tài sản riêng và hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Lập nhưng không được tòa án chấp nhận. Đến nay, bà Liên khiếu nại khắp nơi nhưng hệ quả vụ án vẫn không được giải quyết.
Không thể giải quyết hậu quả
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), thực tế nhiều trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật, đã thi hành xong một phần hoặc toàn bộ, nhưng sau đó có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy để xét xử lại hoặc tuyên hủy và đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, vấn đề được đặt ra là việc thi hành án đã được thực hiện sẽ được giải quyết như thế nào?
Trong vụ án trên, có thể thấy việc chuyển nhượng tài sản cho bên thứ ba căn cứ vào bản án đã có hiệu lực là hợp pháp. Việc bà Ngân được cấp GCNQSDĐ cũng phù hợp với quy định pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và Luật thi hành án dân sự năm 2008, có thể thấy quyền lợi của bà Liên sẽ không được giải quyết, trừ khi các bên tự thỏa thuận. Bởi xét về pháp lý của việc rút đơn khởi kiện và đình chỉ vụ án thì mọi thứ bao gồm tình trạng hôn nhân và tài sản đều nguyên trạng như ban đầu.
Nhưng thực tế tài sản là căn nhà đã được chuyển nhượng và công nhận cho người thứ ba ngay tình. Việc lấy lại phần diện tích nhà đất đã bán là không thể vì pháp luật công nhận quyền của người thứ ba ngay tình.
Do vậy, trường hợp này bà Liên có thể thỏa thuận với ông Bình để lấy phần diện tích nhà đất còn lại. Nếu ông Bình không đồng ý, bà Liên có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo luật sư Mạch, việc giải quyết hậu quả trong trường hợp vụ án nêu trên nói riêng và một số vụ án tương tự nói chung hiện nay chưa có những quy định điều chỉnh.
Khi bản án đã được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành theo luật định, hay việc đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án là có căn cứ thì cơ quan thi hành án và tòa án đều có những lý do chính đáng để tiến hành.
Do vậy, trên thực tế không cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết các hậu quả tiếp theo. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Về lâu dài, TAND tối cao cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kiến nghị đề xuất điều chỉnh các quy định theo hướng đầy đủ, rõ ràng hơn, tránh để xảy ra những "khoảng trống" trong việc áp dụng như hiện nay.
Có thể áp dụng pháp luật tương tự
Luật sư Võ Đan Mạch đề xuất các cơ quan chức năng cần linh hoạt trong việc áp dụng các quy định tương tự, trên tinh thần nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật mà điều 6 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định để có cơ sở giải quyết vụ việc của bà Liên cũng như các vụ việc tương tự về sau.
Trường hợp hết thời hạn kháng cáo, bà Liên có thể đòi lại quyền lợi của mình bằng việc yêu cầu ông Bình bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định tại khoản 3, điều 135 Luật thi hành án dân sự.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 điều Bộ luật dân sự 2015 thì bà Liên có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận