Đó là một trong những kết quả điều tra, do nhà động vật học Fabio de Sa - thuộc Đại học Estadual de Campinas – công bố trong một bài báo khoa học trên tạp chí Science Advances, hôm 12-8-2020.
Nhóm nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh cuộc sống của loài ếch Thoropa taophora ở các mỏm đá bên rìa rừng nhiệt đới, nơi có tương đối ít địa điểm sinh sản, hoặc nước ngọt, song lại được tiếp xúc nhiều hơn với mặt trời.
Loài ếch này có màu nâu đỏ, giúp chúng dễ ẩn mình với môi trường xung quanh. Ếch đực có gai dài ở ngón cái, là “vũ khí” đặc trưng của chúng trong chiến đấu. Ếch đực ở luôn ở gần trứng và nòng nọc để bảo vệ chúng, thỉnh thoảng đi “tuần tra” quanh nơi sinh sản, phát ra những tiếng kêu hung hãn để hăm doạ, xua đuổi những kẻ xâm nhập.
Phát hiện thú vị nhất là những con đực chỉ sống chung với hai con cái, trong đó luôn có một ếch cái nổi trội (như… chánh hậu), và một ếch cái thứ yếu (thứ phi).
Sự cạnh tranh giữa hai ếch cái trong từng “hậu cung” thường xáy ra như sau: những con cái chiếm ưu thế thật sự sẽ đáp lại những lời kêu gọi của con đực, và dường như đẩy con cái thứ cấp ra ngoài trong quá trình tán tỉnh ấy. Khi “chánh hậu” tiếp cận và giao phối với “nhà vua”, những ếch cái thứ cấp (“thứ phi”) đứng sang một bên và… hoàn toàn bất động.
Ếch cái “chánh hậu” đôi khi cũng kích hoạt việc giao phối bằng cách… xơi một số trứng mà con đực đang canh giữ. Ếch đực thường đuổi con cái đi để bảo vệ trứng. Nếu kẻ ăn trứng là “chánh hậu”, đôi khi ếch đực không xua đuổi mà giao phối với nó, dẫn tới việc tạo ra những trứng mới mang gen của ếch cái trội.
Ngược lại, khi con ếch cái “thứ phi” sà vô ăn trứng, ếch đực sẽ chỉ… ôm lấy nó mà không giao phối, cho tới khi nó dừng lại chuyện xơi trứng để khiêu khích.
Theo nhóm nghiên cứu, đó là một trong những thể hiện về phản ứng của “nhà vua” thay đổi theo… các cấp bậc của mỗi nàng ếch cái trong từng “hậu cung”.
Nhóm nghiên cứu đã xác nhận những gì họ nhìn thấy qua video bằng cách phân tích những vật liệu di truyền thu được từ các vùng sinh sản của những “hậu cung” trong khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy: những con cái chiếm ưu thế đã đóng góp từ 56% tới… 97% số nòng nọc trong bảy đợt sinh sản được phân tích.
Xét về di truyền, những con nòng nọc đều là anh chị em cùng cha khác mẹ, là con của một trong hai ếch mẹ - mặc dù những con cái ưu thế sinh sản nhiều hơn.
Bài báo khoa học của tác giả Fabio de Sa cũng khẳng định: chế độ đa thê là hệ thống phối ngẫu phổ biến nhất giữa các loài động vật, và đã từng được tìm thấy ở cá có xương, bò sát, động vật có vú, chim, và thậm chí ở một số… động vật không xương sống.
Hệ thống phối ngẫu của động vật tồn tại liên tục giữa chế độ đa thê (có liên quan tới giai đoạn tiến hóa trước đó) và chế độ một vợ một chồng - nảy sinh khi con non của một loài đòi hỏi sự chăm sóc thật nhiều từ cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận