
Bức ảnh gốc chụp năm 2024 do tác giả đăng (phải) và những bức ảnh với chú thích xuyên tạc đang lan tràn trên mạng xã hội - Ảnh: Vietnam+
Trong khi toàn xã hội đang hướng sự thương cảm về các nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều tài khoản mạng xã hội lại lợi dụng bi kịch này để câu view, câu like.
Những hình ảnh, clip, thông tin bịa đặt liên tiếp xuất hiện. Đáng lo ngại hơn, có những người còn sử dụng AI để sáng tác ra những câu chuyện đau lòng về các nạn nhân nhằm thu hút sự chú ý, bất chấp đạo đức và lương tâm.
Ca sĩ thành "nạn nhân" tin giả
Một trong những trường hợp điển hình là việc ca sĩ Thái Thùy Linh vô tình chia sẻ hình ảnh ghép một nhóm trẻ em trên tàu du lịch với chú thích sai lệch về vụ lật tàu.
Chủ nhân thực sự của bức ảnh - anh Tuấn Nguyễn xác nhận đây là ảnh chụp gia đình trong chuyến du lịch vào tháng 8-2024, hoàn toàn không liên quan đến thảm họa.
"Nhìn hình ảnh nào cũng thấy như là con mình, cháu mình...," ca sĩ Thái Thùy Linh bình luận khi chia sẻ bức ảnh.
Thấy ảnh của các cháu bị đem ra câu view, câu like với hàng ngàn bình luận tiếc thương, anh Tuấn và gia đình rất bức xúc. Người thân, họ hàng cũng vô cùng lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sau khi nhận được phản hồi từ chủ nhân bức ảnh, ca sĩ Thái Thùy Linh đã đăng bài đính chính và xin lỗi công khai.
Sự việc này phản ánh tình trạng nghiêm trọng: trong những tình huống khẩn cấp, người dùng mạng xã hội rất dễ đồng cảm và tin vào thông tin sai lệch mà không kiểm chứng kỹ. Điều đáng lo ngại hơn, nhiều đối tượng đã sử dụng AI để sáng tác những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân.
Các bài viết giả mạo này thường có chiêu thức tinh vi: kể lấp lửng để thu hút sự chú ý, yêu cầu người xem nhấp vào link để "đọc tiếp", sau đó chuyển hướng đến các trang quảng cáo, thương mại điện tử hoặc website có thể chứa mã độc.
Xu hướng lợi dụng công nghệ AI để tạo nội dung giả mạo đang gia tăng đáng báo động. Từ việc ghép ảnh đơn giản, các đối tượng xấu đã phát triển thành sáng tác toàn bộ câu chuyện bằng trí tuệ nhân tạo. Điều này khiến việc phân biệt thông tin thật - giả trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Những hình ảnh do AI tạo ra, đi kèm với những câu chuyện thương tâm
Cơ quan chức năng vào cuộc
Ngày 20-7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với Công an phường Hồng Gai tiến hành làm việc với bà N.H.A.T. (sinh năm 1982, trú tại tổ 9, khu 3, phường Hồng Gai) về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật trên mạng xã hội về số lượng người tử vong liên quan đến vụ việc lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.
Cơ quan công an xác định các nội dung vi phạm đều không có căn cứ, không trích dẫn từ nguồn tin chính thống, vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên không gian mạng. Điều đáng chú ý là nhiều thông tin sai lệch xuất hiện ngay trong đêm xảy ra vụ việc, cho thấy tính chất cố ý và có tổ chức của những kẻ thủ lợi.
Theo các chuyên gia, hiện tượng tin giả bùng phát sau các sự kiện thảm khốc không phải mới, nhưng việc sử dụng AI để sản xuất nội dung giả đã đẩy vấn đề lên một tầm mức mới. Công nghệ này cho phép tạo ra những câu chuyện có tính thuyết phục cao, khó phân biệt với thông tin thật.
Phó giáo sư Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc chống tin giả: "Thông tin báo chí phải là dòng tin tức chủ lực, đưa tin nhanh, kịp thời, chính xác. Các cơ quan báo chí cũng cần phản bác các tin tức sai sự thật đang lan truyền để định hướng dư luận".

Những thông tin sai lệch về vụ lật tàu do AI 'sáng tác' - Ảnh: Vietnam+
Khung pháp lý nghiêm khắc
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc hãng luật TGS, cho hay điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật.
Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng hoang mang dư luận, ảnh hưởng tâm lý gia đình nạn nhân, hoặc cản trở công tác cứu hộ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn thông tin. Đối với mạng xã hội, những fanpage chính thống của cơ quan, báo chí, tổ chức thường có dấu tích xanh để xác thực. Người dùng mạng xã hội cần quan sát và phân biệt rõ các fanpage chính thống và giả mạo để tránh chia sẻ thông tin sai sự thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận